Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Hướng đến một nền giáo dục mở

GD&TĐ - Góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khoá XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2020), nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, cho biết, việc sửa đổi Luật Giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để thúc đẩy GD-ĐT của đất nước phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hướng đến một nền giáo dục mở

Người thầy quyết định chất lượng giáo dục

Cả nước, đặc biệt đội ngũ giảng viên, giáo viên, đang hết sức hồi hộp chờ đợi kết quả Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến. Trong Dự thảo Luật GD lần này, ông quan tâm đến vấn đề nào nhất?

Tôi quan tâm nhiều nhất đến vấn đề giảng viên, giáo viên. Bởi vì giảng viên, giáo viên không chỉ là máy cái, là người truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sống, như người cha người mẹ dạy dỗ các em sinh viên, học sinh đạo đức cũng như những kinh nghiệm trong cuộc sống. Người giảng viên, giáo viên có tâm, có tầm, có tài thì mới có thể đào tạo ra được thế hệ sinh viên, học sinh đảm bảo chất lượng, có đức có tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người xưa đã nói đến rất nhiều vai trò của giảng viên, giáo viên như “không thầy đố mày làm nên”. Người thầy quyết định tất cả vấn đề về chất lượng cũng như đạo đức của sinh viên, học sinh.

Trong thời đại mới, vai trò của người thầy đóng vai trò quan trọng. Giảng viên, giáo viên là người GD-ĐT sinh viên, học sinh - thế hệ tương lai của dân tộc, của đất nước; truyền đạt cho thế hệ trẻ hệ thống tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo lao động nghề nghiệp, truyền bá cho họ lý tưởng và đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, đào luyện họ hình thành và phát triển nhân cách con người toàn diện, trở thành những lớp người có ích cho đất nước.

Chính sách lương của nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS là những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông suy nghĩ như thế nào khi 2 nhóm chính sách này được đưa ra khỏi dự thảo Luật?

Xuất phát từ vị trí vai trò của người thầy, chính sách đãi ngộ của người thầy đặc biệt quan trọng, để người thầy toàn tâm toàn ý tập trung vào chuyên môn, chăm lo đến thế hệ sinh viên, học sinh và yên tâm công tác.

Chỉ khi nào có nguồn thu nhập ổn định, thì người thầy mới có điều kiện tốt nhất để tích lũy kiến thức, để tập trung trí tuệ cao nhất cho việc giảng dạy, giáo dục thế hệ học trò. Tạo điều kiện để người thầy được đào tạo ở trình độ cao về học vấn cả về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học giáo dục; phải nắm vững phương pháp dạy học theo xu thế dạy học lấy sinh viên, học sinh làm trung tâm; phải được trang bị những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin và ứng dụng vào trong quá trình dạy học. Người thầy không chỉ thực hiện chức năng dạy học, giáo dục mà còn là một nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà đạo đức, nhà hoạt động xã hội....

Chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên, học sinh, nhất là đối với những gia đình nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cân nhắc cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và đặc thù của từng cơ sở, đối tượng được GD-ĐT để vừa tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, học sinh, vừa đảm bảo được chất lượng giáo dục, đào tạo và tính khả thi của Luật.

Tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này cũng bổ sung vào điều 29 nội dung “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Sự sửa đổi, bổ sung lần này đã tạo ra một sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của giáo dục phổ thông, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, đảm bảo hội nhập quốc tế, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước trong khu vực và trên thế giới, tiếp cận với trình độ giáo dục phổ thông tiến tới bảo đảm hội nhập quốc tế; bảo đảm cho HS học hết THCS có tri thức phổ thông nền tảng, học THPT phải tiếp cận với nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau THPT.

Trong dự thảo đưa ra một chương trình nhiều bộ SGK nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong xã hội, phù hợp với năng lực, trình độ của người học. Chương trình này phải thống nhất trong cả nước, tạo điều kiện để việc thực hiện đảm bảo tính linh hoạt, hướng đến việc xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp.

Sắp tới các trường sư phạm bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên bằng vay tín chỉ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên bằng vay tín chỉ cần tính toán, cân nhắc để không tạo ra áp lực cho sinh viên, học sinh.

Với chính sách mới này chúng ta nên tính toán, đánh giá kỹ tác động của nó đối với đối tượng chịu sự tác động.

Là đại biểu Quốc hội, ông kỳ vọng gì từ việc sửa đổi Luật GD lần này?

Theo tôi quan trọng nhất là tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, đảm bảo giáo dục có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân, phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, quan trọng là để thế hệ học trò sống tốt hơn và làm việc có hiệu quả hơn.

Chúng ta sửa đổi Luật GD thì phải hướng đến việc xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Phấn đấu đến năm 2030 nền GD đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hướng đến một nền giáo dục mở - Ảnh minh hoạ 2Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khoá XIV 

“Những tác động và kết quả giáo dục của giảng viên, giáo viên đối với sinh viên, học sinh vừa có tác dụng đặt nền móng, vừa có tác dụng định hướng, dẫn dắt cho quá trình phát triển nhân cách. Sự phát triển tương lai của sinh viên, học sinh phụ thuộc nhiều vào kết quả giáo dục của giảng viên, giáo viên. Giảng viên, giáo viên chính là “kỹ sư thiết kế nên tâm hồn” sinh viên, học sinh thông qua “dạy chữ”, “dạy người”. Giảng viên, giáo viên phải giáo dục nhân cách sinh viên, học sinh bằng chính nhân cách của mình, cho nên không có máy móc nào hiểu được con người, tác động đến con người sâu sắc bằng chính con người”.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà

Tác giả bài viết: Trịnh Huyền (thực hiện)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944