Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Kẻ lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến: Các trường xử lý thế nào?

GD&TĐ - Việc các lớp học trực tuyến bị đối tượng lạ xâm nhập, phá rối là chuyện không mới. Những vụ quấy phá lớp học tuy chưa gây ra hậu quả lớn nhưng ít nhiều khiến người học thấy phiền phức và bực bội.
Kẻ lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến: Các trường xử lý thế nào?

Việc quấy phá còn chứng tỏ lớp học trực tuyến đang không an toàn.

Đủ kiểu phá rối lớp học

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, học trực tuyến trở thành hình thức học tập duy nhất của nhiều học sinh, sinh viên. Ở các trường ĐH - CĐ, việc học tập trực tuyến hiện nay phần lớn qua ứng dụng Google Meet, nhóm lớp qua Zoom hay Microsoft Team. Muốn tham gia lớp học, sinh viên cần phải được người quản lý lớp (giáo viên) cung cấp mật khẩu, ID để đăng nhập và học. Tuy nhiên, bằng nhiều lý do, các lớp học trên vẫn bị người lạ xâm nhập và chọc phá.

ThS Nguyễn Thị Diệu Anh, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: Lớp học trực tuyến bị đối tượng lạ xâm nhập quấy phá dưới nhiều cách thức như mở nhạc, mở phim, viết vẽ bậy bạ, tạo tiếng ồn… Nhiều kẻ lạ còn mở phim, clip khiến sinh viên và giảng viên không thể tập trung học.

“Có sinh viên trong lớp chia sẻ mật khẩu cho bạn học chung, ID bị lộ, bị hack, hoặc bị rò rỉ ra bên ngoài. Khi có được mật khẩu hoặc ID để vào lớp, các đối tượng quấy phá thậm chí còn share thông tin lớp lên Facebook nên nhiều người xâm nhập vào.

Hiện với thiết kế của các phần mềm học trực tuyến như Google Meet, Microsoft Team, Zoom, sinh viên phải có ID, mật khẩu mới có thể đăng nhập vào lớp nên chúng tôi thường xuyên thay đổi mật khẩu và nhắc nhở, nhưng đôi lúc cũng vẫn không tránh khỏi bị làm phiền”, ThS Diệu Anh cho hay.

Kẻ lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến: Các trường xử lý thế nào? - Ảnh minh hoạ 2
Một lớp học trực tuyến của sinh viên bị nhóm người lạ xâm nhập, quậy phá.

Không chỉ xâm nhập các lớp học để chọc phá giải khuây theo hướng cá nhân hóa, nhiều hội nhóm kín trên mạng xã hội còn quy tụ lại với nhau và đồng loạt tấn công vào một lớp học nào đó khi có được ID hoặc mật khẩu của lớp.

Đơn cử mới đây trên mạng xã hội lan truyền clip một lớp học trực tuyến của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị hàng chục đối tượng lạ xâm nhập phá rối khiến sinh viên và giảng viên vô cùng khó chịu. Đáng nói nhóm đối tượng này còn lên tiếng thách thức mọi người bằng những lời lẽ tục tĩu.

Hay tại lớp học trực tuyến về chăm sóc sắc đẹp của Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, cô và trò lớp học bị một phen tá hỏa khi đối tượng lạ xâm nhập phòng học và mở những video bậy bạ, khiến không chỉ giáo viên mà bản thân các sinh viên vô cùng bức xúc.

Theo em Trần Thế Phương Bình - sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM, lớp học trực tuyến bị xâm nhập phá rối không mới nhưng nó nở rộ trong thời gian qua khi sinh viên tất cả trường buộc phải học trực tuyến.

“Năm ngoái, lớp em bị đối tượng lạ xâm nhập 1 - 2 lần nhưng năm nay hiện tượng trên hạn chế triệt để nhờ thao tác kiểm duyệt, cấp quyền vào lớp học cho sinh viên của nhà trường khó hơn. Việc đang học mà gặp phải tình huống trên không chỉ gây khó chịu, ức chế cho sinh viên, mà nó còn làm chất lượng buổi học không bảo đảm”, Phương Bình chia sẻ. 

Kẻ lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến: Các trường xử lý thế nào? - Ảnh minh hoạ 3
Một buổi học trực tuyến của tân sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Các trường xử lý vấn nạn này ra sao?

Để xử lý vấn nạn này, từ khi bắt đầu năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều trường ĐH - CĐ đã tập huấn rất kỹ cho giảng viên, sinh viên về phương pháp quản lý lớp học, đăng nhập và sử dụng các nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả, đồng thời xây dựng giải pháp an ninh kỹ thuật.

ThS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - thông tin: Để giảng viên thành thạo và sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến hiệu quả, nhà trường có nhiều buổi tập huấn, trang bị kỹ năng xử lý tình huống lớp học cho giảng viên. Giảng viên nào chưa thành thục, trường sẽ yêu cầu bộ phận kỹ thuật hỗ trợ, thậm chí sinh viên các lớp khi được yêu cầu.

“Với lớp học trực tuyến, vai trò quản lý của giáo viên như khi dạy trên giảng đường. Giảng viên sẽ quyết định các diễn biến của lớp học trực tuyến. Giảng viên có quyền mời vào hoặc mời ra khỏi lớp học, kiểm soát quyền được phát biểu, chia sẻ màn hình, chia sẻ link tới người khác. Ngay cả khi phát hiện người lạ xâm nhập, mở hình ảnh không phù hợp, giảng viên vẫn có thể “bắn nick” để lớp học không bị quấy rối. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở thầy cô thường xuyên lưu ý sinh viên không để lộ lọt ID lớp ra ngoài”, ThS Thanh nói.

Thực tế, để hạn chế tối đa tình trạng mật khẩu lớp học, mã ID giảng viên cấp cho sinh viên bị lộ lọt ra ngoài, nhiều trường ĐH - CĐ ngay từ đầu học kỳ đã thống nhất trong việc cấp email học tập cho từng sinh viên, cũng như mua bản quyền các nền tảng hỗ trợ dạy trực tuyến.

Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM, nền tảng học trực tuyến chủ yếu của trường là Google Meet và Zoom có bản quyền. Khi tham gia học trên Google Meet, sinh viên được nhà trường cấp cho email học tập, giảng viên lớp học cấp quyền (mã ID) và chỉ được sử dụng email này để đăng nhập vào lớp. Do vậy, việc người lạ không phải sinh viên của trường tham gia lớp học này là không thể, trừ khi được chính giảng viên mời vào.

Ông Nguyễn Thành An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Luật TPHCM cũng nhìn nhận giải pháp trên là tối ưu cho các trường trong bối cảnh dạy và học trực tuyến hiện nay. Trường ĐH Luật TPHCM cũng đang triển khai giải pháp học trực tuyến trên nền tảng Google Meet và kiểm soát quyền đăng nhập của sinh viên theo hệ thống học tập trung của nhà trường.

“Nhà trường chưa ghi nhận tình trạng lớp học trực tuyến của giảng viên bị quấy phá. Tuy nhiên, trường vẫn luôn yêu cầu giảng viên lưu tâm, nhắc nhở sinh viên, cũng như đưa ra bộ quy tắc chung của lớp học. Với cách kiểm soát và có sự thống nhất ngay từ đầu giữa giảng viên và sinh viên, lớp học bị quấy phá trong trường hợp giảng viên bị hack, chiếm quyền điều khiển (host)”, ông An cho biết.

Tiến sĩ CNTT Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển nhân lực (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) - cho biết: Trên thực tế, khi lớp học được quản lý và đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu thì tính bảo vệ sẽ không cao do dễ dàng chia sẻ. Vì vậy, để đảm bảo cho các lớp học trực tuyến không bị “bẻ khóa” xâm nhập, ngoài việc mua bản quyền sử dụng của nhà phát triển, các trường nên yêu cầu giảng viên phải thiết lập và hạn chế quyền của người học trong lớp của mình. Bên cạnh đó, giảng viên yêu cầu sinh viên xác thực danh tính bằng đuôi email trường cung cấp mới phê duyệt vào lớp cũng hạn chế người lạ xâm nhập”. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944