Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Khó “phủ kín” trường chuẩn ở miền núi Thanh Hóa

GD&TĐ - Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó 6 huyện diện 30a. Mặc dù, còn nhiều khó khăn, nhưng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) ở vùng 135 của tỉnh này đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Khó “phủ kín” trường chuẩn ở miền núi Thanh Hóa

Trường học vùng 135 đạt chuẩn quốc gia

Ông Lò Văn Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát kể: “Trường Tiểu học Nhi Sơn trước đây được nhà nước đầu tư, xây dựng cơ bản về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các điều kiện để công nhận CQG cũng đã đạt. Thế nhưng, khi chuẩn bị được công nhận đạt CQG thì cơn lũ năm 2019 đi qua khiến ngôi trường bị sụt lún nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa. Bên cạnh đó, nhiều trường khác ở trên địa bàn huyện cũng gặp khó khăn cả cơ sở vật chất lẫn các điều kiện khác. Vì thế, công tác xây dựng trường CQG ở Mường Lát đang là vấn đề nan giải”, ông Tuấn chia sẻ.

Còn theo ông Ngô Phi Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, toàn huyện có 22/49 trường đạt CQG (trên 40%). Việc xây dựng trường CQG ở địa phương luôn được lãnh đạo huyện và ngành GD quan tâm nhưng cũng rất trăn trở. Bởi lẽ, địa phương thuộc diện 30a, đời sống của người dân trong huyện nói chung còn khó khăn, thiếu thốn. Công tác xây dựng trường CQG những năm qua của huyện cũng mới chỉ đạt ở ngưỡng “khiêm tốn”. 

Ông Nguyễn Văn Dương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Phủ (Quan Hóa) cho biết: Mặc dù, trường được công nhận CQG mức độ I cách đây vài năm, nhưng hiện nhiều hạng mục cơ sở vật chất đã xuống cấp, trong đó có 2 dãy nhà cao tầng (12 phòng học). Do thiếu phòng học nên nhà trường phải tận dụng phòng chức năng làm nơi học. Khu vệ sinh của trường cũng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn sửa chữa.
 

“Nhà trường có 324 học sinh nhưng vẫn thiếu giáo viên, bình quân mới chỉ đạt 1,33 GV/lớp. Không có giáo viên dạy tiếng Anh nên chúng tôi phải thuê 2 giáo viên của trường lân cận về dạy với mức 50.000 đồng/tiết. Ngoài mức kinh phí do huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng, nhà trường phải phụ thêm 1 triệu đồng/tháng cho mỗi giáo viên dạy tiếng Anh”, ông Dương nói.

Khó “phủ kín” trường chuẩn ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh minh hoạ 2
Trường THPT Quan Sơn vẫn đang trên lộ trình xây dựng CQG.

Nhiều khó khăn

Huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) đến nay có 24/41 trường đạt CQG. Tuy nhiên, những trường còn lại gặp khó khăn trong việc xây dựng chuẩn. Trường THPT Quan Sơn, mặc dù những năm qua được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, nhưng vẫn chưa có nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, nhà đa năng. Nhà trường có 19 phòng học kiên cố cho 19 lớp học, tuy nhiên, số lượng học sinh đang học tại các trường THCS trong địa bàn tuyển sinh của trường có xu hướng tăng.   Do đó, nhà trường cần có thêm    phòng học để bảo đảm đủ chỗ học cho các em.

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường ở miền núi cao, khó khăn trong việc huy động các nguồn xã hội hóa để sửa chữa, xây dựng các hạng mục về cơ sở vật chất. Thiết bị dạy học còn thiếu thốn. Trường có 30 bộ máy tính phục vụ môn tin học đã quá cũ, phải sửa chữa nhiều lần không đáp ứng được nhu cầu dạy, học của bộ môn. 

Số lượng cán bộ, giáo viên và nhân viên cũng thiếu. “Hiện, nhà trường có 42 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, có 2 thầy giáo tăng cường môn Toán và Thể dục sẽ hết thời gian điều động sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022. Bên cạnh đó, một số thầy, cô giáo chưa yên tâm công tác, luôn có ý định thuyên chuyển về trường gần gia đình. Vì vậy, nhà trường luôn có sự xáo trộn về con người, khó khăn trong việc quản lý, giao nhiệm vụ. Đặc biệt, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng GV cốt cán (tổ trưởng, nhóm trưởng…), giáo viên ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi rất khó khăn. Bởi, khi giáo viên có kinh nghiệm trong ôn luyện đội tuyển, quản lý lại thuyên chuyển về nơi khác sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của nhà trường”, thầy Đạo nói.

Cũng theo thầy Đạo, chất lượng giáo dục của Trường THPT Quan Sơn nói riêng và các trường miền núi nói chung đang rất thấp. Bởi lẽ, học sinh trúng tuyển vào lớp 10, các môn chỉ cần không liệt là có cơ hội vào học. “Đầu vào thấp sẽ khó khăn cho việc giảng dạy, ôn luyện và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, hằng năm ở Thanh Hóa có 2 trường  (THPT Dân tộc Nội trú tỉnh và THPT DTNT Ngọc Lặc) đã tuyển sinh, lựa chọn những em có học lực tốt trong huyện. Sau đó, Trường THPT Quan Sơn mới tuyển sinh những học sinh còn lại. Vấn đề này ít nhiều gây khó khăn cho nhà trường trong việc tuyển sinh, thành lập lớp chọn, lập đội tuyển học sinh giỏi của trường”- thầy Đạo trăn trở.

Việc xây dựng trường CQG ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn để “phủ kín” tổng số trường học các cấp. Do đó, ngành GD tỉnh cần  sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu xây dựng trường CQG ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn của địa phương này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944