Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Không tạo áp lực và phát sinh thủ tục khi đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên

GD&TĐ - Đây là lưu ý của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại buổi bế mạc Khóa tập huấn Triển khai thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/ TT-BGDĐT ban hành Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông vào sáng nay (8/12) tại Đà Nẵng - do Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Chương trình ETEP tổ chức.
Không tạo áp lực và phát sinh thủ tục khi đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, các cơ sở chỉ triển khai áp dụng những thông tư trên khi GV đã nhận thức đầy đủ rằng chuẩn nghề nghiệp GV là căn cứ để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo chứ không phải để đánh giá, xếp loại viên chức.

Những thắc mắc từ cơ sở

Đại diện Sở GD&ĐT Lâm Đồng băn khoăn về chu kỳ đánh giá giáo viên theo Thông tư 20 là 2 năm/lần, trong khi đó, việc đánh giá viên chức – công chức thường rơi vào thời điểm kết thúc năm học, vậy khoảng lệch thời gian này sẽ được tính như thế nào? Đại diện đoàn Hà Tĩnh lại thắc mắc nếu xếp loại công chức – viên chức là chiến sĩ thi đua, xếp loại đảng viên xuất sắc nhưng đánh giá theo chuẩn Hiệu trưởng thì chỉ được loại khá thì có mâu thuẫn hay không? Cũng có ý kiến rằng những tiêu chí trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có được phục vụ cho việc thăng hạng hay không?

Không tạo áp lực và phát sinh thủ tục khi đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên - Ảnh minh hoạ 2
Nhiều mắc từ cơ sở về những tình huống cần giải quyết khi triển khai áp dụng đánh giá Hiệu trưởng, GV theo Thông tư 14 và Thông tư 20.

Một CBQL từ Sở GD&ĐT Ninh Bình thì cho rằng, nếu căn cứ vào tiêu chí 17 về ngoại ngữ của Hiệu trưởng thì theo như gợi ý minh chứng, có lẽ trừ các cán bộ quản lý có chuyên môn là ngoại ngữ ra thì số hiệu trưởng không đạt là rất đông. Đại diện Sở GD&ĐT Ninh Thuận đề xuất cần có chế tài với những GV và CBQL trong 2 năm liên tiếp không đạt theo các tiêu chí của chuẩn đánh giá chứ nếu không thì những người phấn đấu từ mức đạt lên khá cũng không khác gì những người không đạt nhưng không có kế hoạch bồi dưỡng.

Sẽ có các chương trình bồi dưỡng tương ứng

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Trưởng nhóm nghiên cứu Chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết, Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông không phải là căn cứ để xếp loại công chức – viên chức mà là căn cứ để các Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên đánh giá xem mình đang ở đâu, thiếu cái gì để tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ. “Nếu đánh giá công chức – viên chức thực sự nghiêm túc thì sẽ trùng khít với chuẩn nghề nghiệp. Ví dụ viên chức đều yêu cầu có văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ nhưng năng lực thực tế thì không tương đương với giá trị của văn bằng nên khi phiên qua chuẩn thì không đáp ứng được là đương nhiên” – PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nêu ví dụ.

“Nếu tất cả đều tốt thì chuẩn không có ý nghĩa. Đơn cử như nếu so sánh các tiêu chí chuẩn ngoại ngữ thì chúng ta thấy cả giáo viên và CBQL đều có một “vùng lõm” rất rõ ràng. Chuẩn được xây dựng để không chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn mà còn thực hiện trong thời gian dài, bởi khi chúng ta tiến hành đổi mới giáo dục phổ thông thì yêu cầu sẽ rất cao. Có một số gợi ý cho rằng, thay vì yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với Hiệu trưởng thì ở những vùng khó có thể phiên ngang tiếng dân tộc thiểu số. Thế nhưng, tiếng dân tộc thiểu số đã được sử dụng trong căn cứ để thăng hạng rồi, và việc có ngoại ngữ sẽ giúp Hiệu trưởng tự cập nhật để đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của bản thân” – PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền phân tích.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, khi xây dựng bộ Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đã có sự tích hợp với yêu cầu của chuẩn chức danh nghề nghiệp và các yêu cầu tuyển dụng công chức, viên chức. “Chuẩn nghề nghiệp là chuẩn trong lòng mọi người còn chuẩn công chức là chuẩn trong mắt mọi người” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận xét.

Về chế tài của các Thông tư, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ những tiêu chí của chuẩn, nếu đánh giá chưa đạt thì phải đề xuất với các cấp quản lý chương trình, nội dung cần bồi dưỡng để đáp ứng chuẩn. Song song với việc xây dựng chuẩn, Cục nhà giáo cũng đang tiến hành xây dựng các chương trình bồi dưỡng tương đương để GV và CBQL đáp ứng được các tiêu chí của chuẩn. Nếu sau thời gian tự cải tiến, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nếu GV vẫn không có sự cải thiện thì Hiệu trưởng đối chiếu những quy định khác để quản lý.

“Về thắc mắc là nếu có một GV trong 2 năm đều không đạt theo chuẩn thì đây cũng là trách nhiệm của Hiệu trưởng. Không phải ở chỗ GV tham gia bao nhiêu tiết bồi dưỡng do Sở, Phòng tổ chức mà còn là ở quá trình bồi dưỡng tại chỗ, bồi dưỡng trực tuyến…, và Hiệu trưởng phải là người sát sao trong việc này” – đại diện chương trình ETEP cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: “Trong quản trị chất lượng nhà trường thì người quyết định chất lượng chính là đội ngũ giáo viên chứ không phải là Hiệu trưởng hay Phó Hiệu trưởng. Chúng ta cần quản lý cả quá trình từ đầu vào cho đến đầu ra và phải lấy chất lượng là mục tiêu tối thượng. Lâu nay, chúng ta rất chú trọng đến người học là HS nhưng CBQL cũng phải làm sao để giáo viên thấy được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944