Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Những điều chỉnh quan trọng

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Những điều chỉnh quan trọng
GD&TĐ - Hướng tới Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nghiêm túc, công bằng, trong thời gian qua, nhiều công việc đã được Bộ GD&ĐT tích cực chuẩn bị. Một trong những kết quả là phương án thi được cụ thể hóa tại Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Những điều chỉnh quan trọng

Trên cơ sở phát huy ưu điểm của Kỳ thi THPT quốc gia những năm qua; khắc phục hạn chế, sai phạm đã xảy ra năm 2018, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 tiếp tục được tổ chức. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ, cơ sở để tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết khi trả lời trên VOV2: Để Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đảm bảo khách quan, công bằng, Bộ GD&ĐT chủ trương và đã cụ thể hóa trong quy chế điều chỉnh một số điểm mới trong kỳ thi tới, thể hiện ở một số khâu, một số nhóm vấn đề như sau:

Thứ nhất là sắp xếp phòng thi năm 2019, thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với học sinh học chương trình GD THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số điểm thi do giám đốc sở GD&ĐT quyết định; nguyên tắc xếp theo vần a, b, c.

Thứ 2, quy định chặt chẽ hơn về khâu in sao, vận chuyển đề thi, bài thi. Cụ thể, ở khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát 24/24h; phân định rõ cách thức niêm phong, cách thức mở tủ để chứa đựng bài thi, đề thi như thế nào và vai trò của Phó trưởng điểm hoặc thư ký là người đến từ trường ĐH trong việc thường trực ban đêm ở khu vực đó ra sao.

Thứ 3, về coi thi, năm nay quy định các trường ĐH địa phương sẽ không coi thi tại địa phương mình và quy định rõ cách thức niêm phong túi đựng bài thi. Ngoài việc có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH trên niêm phong, sau khi dán tem niêm phong còn động tác nữa là phủ keo dính trong một vòng lên tem niêm phong, phòng ngừa việc mở, can thiệp vào túi đựng bài thi.

Quy định rõ việc phát đề thi trắc nghiệm với những bài thi trắc nghiệm trong phòng thi: Cán bộ coi thi sẽ bốc thăm quy luật để phát đề thi trắc nghiệm cho thí sinh. Đây là một khâu làm mới so với mọi năm. Ngoài ra, tăng cường về kỉ luật phòng thi, kĩ năng phát hiện các thiết bị gian lận công nghệ cao và vai trò của cán bộ giám sát sẽ được tăng cường thêm một bước.

Thứ 4, điều chỉnh trong khâu chấm thi. Theo đó, chấm thi trắc nghiệm được giao cho các trường ĐH chủ trì. Chấm thi tự luận tiếp tục hoàn thiện các quy trình thêm một bước nữa; trong đó lưu ý phải lựa chọn những bài thi điểm cao của hội đồng thi đó để chấm kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm có thể xảy ra.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Những điều chỉnh quan trọng - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa

Tăng cường tính nghiêm ngặt của công tác chấm thi

Trả lời tại sao vẫn giao sở GD&ĐT chấm thi tự luận môn Ngữ văn, ông Mai Văn Trinh lý giải: Trên thực tế, các trường ĐH đủ năng lực để chấm thi môn Ngữ văn không nhiều, nên khi giao cho trường ĐH thì vẫn phải mời giáo viên của các sở GD&ĐT tham gia chấm. Do đó, việc vẫn tiếp tục giao cho các sở GD&ĐT chấm thi Ngữ văn là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta có giải pháp để tăng cường hiệu quả như: Quy trình chấm thi có hướng dẫn cụ thể để thực sự là chấm 2 vòng độc lập; văn bản hướng dẫn, đáp án cũng thuận lợi hơn để hỗ trợ cho giáo viên; chấm kiểm tra các bài thi Ngữ văn đạt điểm cao ngay trong quá trình chấm thi...

Về cải tiến phần mềm chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết đây là một trong những nội dung Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện trong thời gian qua và đến nay đã sẵn sàng. Năm 2019, việc quét bài thi là sẽ quét theo từng túi bài thi của từng phòng. Quét xong túi bài thi của phòng nào thì kiểm đếm niêm phong, sau đó mới quét tiếp các túi bài thi của phòng thi khác.

Về phần mềm chấm thi, thực hiện mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi bằng công nghệ cao để bảo đảm rất khó có thể can thiệp. Đặc biệt, sẽ tiến hành đánh phách điện tử bài trả lời trắc nghiệm của thí sinh, bảo đảm không có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với kết quả bài làm. Phần mềm chấm thi cũng lưu vết toàn bộ hoạt động và chỉ những người có trách nhiệm mới có thể mở, đọc được thông tin trên đó; đảm bảo mọi can thiệp vào phần mềm đều được kiểm soát và xử lý.

Về điều chỉnh tỷ lệ tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT (điểm của kỳ thi chiếm 70%, điểm trung bình học tập chiếm 30%), theo ông Mai Văn Trinh, đây là bước để thể hiện và khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa thực tế của kỳ thi. Điều chỉnh này sẽ tác động đến tỷ lệ tốt nghiệp THPT nhưng hướng đến đánh giá thực chất hơn chất lượng dạy học trong nhà trường. Việc này, Bộ GD&ĐT cũng công bố sớm để các nhà trường có phương án dạy học, ôn tập tốt nhất...

Nhiều công việc quan trọng đã hoàn thành

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019, như nhanh chóng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và xây dựng phương án, cụ thể hóa thành phương án thi cho năm 2019. Bộ GD&ĐT sớm công bố đề thi tham khảo (vào tháng 12/2018) để làm cơ sở cho giáo viên, học sinh ôn tập. Đã hoàn thiện và tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi để sẵn sàng cho đề thi của kỳ thi.

Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và các hoạt động của GD-ĐT hướng đến kết quả bảo đảm sự công bằng, hiệu ứng tích cực là nguyện vọng và quyết tâm của Bộ GD&ĐT. Ngoài sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT, toàn bộ hệ thống từ cấp trường, cấp huyện cho đến cấp tỉnh, cấp huyện phải cùng vào cuộc thi kỳ thi mới thành công được.

 
Ông Mai Văn Trinh

Những công việc quan trọng khác cũng được thực hiện, như hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng bảo mật, mã hóa để không có sự can thiệp từ bên ngoài vào. Tổ chức tập huấn, ngoài ngành Giáo dục còn có sự tham gia của ngành Công an để cùng phối hợp chặt chẽ, hướng tới tổ chức tốt kỳ thi. “Cho đến nay, các công tác chuẩn bị rất chủ động và đúng quy trình. Từ 1/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019” - ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Về phối hợp giữa địa phương và trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng, trong những năm qua, tuyệt đại đa số các trường chủ động, hào hứng, tích cực. Thậm chí, nhiều trường đã có những hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần cho học sinh khi đến làm công tác thi tại địa phương khó khăn; do đó hình ảnh của nhà trường cũng được nâng lên. Số trường ban đầu phối hợp chưa tốt, Bộ GD&ĐT phải có ý kiến là rất ít.

“Các trường ĐH, CĐ về địa phương tổ chức thi không phải là để giúp địa phương mà đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của các trường. Cao hơn và trực tiếp hơn nữa chính là phục vụ cho lợi ích tuyển sinh của các trường. Do đó, việc trường ĐH, CĐ về địa phương phối hợp tổ chức thi là việc làm góp phần vào thành công của kỳ thi, cũng là trách nhiệm với ngành GD-ĐT” - ông Mai Văn Trinh cho hay.

Tác giả bài viết: Hải Bình (ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944