Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


“Linh hồn” của dự án khởi nghiệp

GD&TĐ - Không chỉ say nghề, cô Hoàng Thị Thanh Huyền – GV môn Vật lý, Trường THPT số 1 TP Lào Cai (Lào Cai) còn đam mê hướng dẫn học sinh (HS) trong các dự án khởi nghiệp.
“Linh hồn” của dự án khởi nghiệp

Cô Hoàng Thị Thanh Huyền đã vinh dự được nhận Bằng khen “Giáo viên có nhiều đổi mới sáng tạo trong công tác dạy và học” của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Hun đúc giấc mơ khởi nghiệp trong trường học

“Cô giáo khởi nghiệp họ Hoàng” – là tên mà đồng nghiệp và HS đặt cho cô Hoàng Thị Thanh Huyền bởi sự đam mê, sáng tạo và có nhiều thành quả trong công tác hướng dẫn HS khởi nghiệp nhiều năm qua.

Không chỉ chú trọng chuyên môn, cô Thanh Huyền luôn tìm cách kết hợp yếu tố kinh tế vào các dự án khởi nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho HS. Cô luôn trăn trở: “Làm sao để khai thác được năng lực HS? Để những bài toán trong sách vở biến thành những con số thực tế trong kinh doanh. Dạy HS biết cách kiếm tiền và biết quý trọng đồng tiền do chính mình làm ra”.

Nghĩ là làm, cô Hoàng Thị Thanh Huyền bắt tay làm phiếu khảo sát nhu cầu của HS lớp mình chủ nhiệm và nhận được những phản hồi tích cực. Sau đó, cô trình bày mong muốn của mình và HS với ban giám hiệu (BGH) nhà trường tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ. Nhận thấy những giá trị thực tế, hướng đi đúng đắn trong công tác khởi nghiệp và đặc biệt là tâm huyết của cô, BGH Trường THPT số 1 Lào Cai đã nhất trí, tạo điều kiện để cô triển khai dự án khởi nghiệp đầu tiên mang tên: “LC1. Da-Tóc-Nail”, hướng dẫn HS tới lĩnh vực làm đẹp da, móng, tóc.

Dự án khởi nghiệp số 1 “LC1. Da-Tóc-Nail” đã đoạt giải Ba cấp tỉnh trong cuộc thi “Startup – Ideas” năm 2018. Năm 2019, cô Hoàng Thị Thanh Huyền nhận thấy nhu cầu trong dịch vụ đồ uống của HS nên đã cùng nhóm HS có sở thích pha chế thực hiện dự án khởi nghiệp số 2 với tên gọi: “Lc1 pha chế Bartender”.

Dưới sự hướng dẫn của cô, trong cuộc thi “Startup – Ideas” cấp tỉnh, nhóm HS Nguyễn Thu Hương - 12D1; Đàm Thu Thành - 11D3 xuất sắc đoạt giải Ba và vinh dự nhận Bằng khen của BCH Đoàn TNCS HCM tỉnh Lào Cai.

Cô HoàngThị Thanh Huyền cho biết: Cuộc thi “Startup – Ideas” đã thu hút hàng trăm ý tưởng từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vinh dự và tự hào khi dự án “Lc1 pha chế Bartender” chỉ đứng sau 3 dự án của các khối doanh nghiệp trong tỉnh Lào Cai. Đáng nói đây cũng là dự án khởi nghiệp duy nhất của HS phổ thông tỉnh đoạt giải Ba. Dự án còn nhận 1 giải chuyên đề do tổ chức phi chính phủ trao tặng.

Năm 2020, nhận thấy củ Hoàng Sin Cô do bà con ở các xã huyện Bát Xát (Lào Cai) trồng có nhiều tính năng và công dụng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Cô Hoàng Thị Thanh Huyền và HS đã nghiên cứu để chế biến thành sản phẩm. Đây đồng thời là dự án khởi nghiệp số 3: “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” do cô Hoàng Thị Thanh Huyền hướng dẫn.

Dự án đã vượt qua hơn 600 ý tưởng khởi nghiệp trong toàn quốc để có mặt tại vòng chung kết và đoạt giải Ba tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. 

“Linh hồn” của dự án khởi nghiệp - Ảnh minh hoạ 2
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền (giữa) thành công trong vai trò hướng dẫn HS khởi nghiệp. Ảnh: NTCC

Nâng cao giá trị khởi nghiệp

Cô Phạm Thị Tuyết Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Lào Cai chia sẻ: “Điều thành công nhất ở 3 dự án khởi nghiệp do cô Hoàng Thị Thanh Huyền hướng dẫn không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà tất cả được triển khai và đi vào hoạt động bài bản, hiệu quả. Đặc biệt với dự án khởi nghiệp số 3: “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” được một số doanh nghiệp đánh giá cao các sản phẩm và có mong muốn hợp tác…”.

HS Nguyễn Thu  Hương – Lớp 12D1 tham gia vào dự án khởi nghiệp “LC1. Da-Tóc-Nail” cho biết: Em và các bạn đã học hỏi được nhiều điều như: Tăng cường kĩ năng sống, kinh doanh, giao tiếp, nhiều kiến thức văn hóa không có trong sách vở…

Em đã có trong tay nghề mà mình yêu thích và có thể ứng dụng vào cuộc sống. Sau thời gian học tập, em và các bạn làm thêm tại trường, số tiền có được chúng em ủng hộ quỹ thiện nguyện của trường, hỗ trợ các bạn HS nghèo trong tỉnh để có thêm điều kiện học tập. Điều quan trọng, sau khi bước vào ĐH em có thể kiếm tiền để hỗ trợ gia đình trong các khoản chi trả học tập. Từ dự án khởi nghiệp này, em mong ước khi đủ điều kiện kinh tế có thể mở một cửa hàng làm đẹp của riêng mình.

Đàm Thu Thành – HS lớp 11D3, tham gia vào dự án khởi nghiệp “Lc1 pha chế Bartender” chia sẻ: Em thấy hứng thú và bị cuốn theo nghề pha chế. Không chỉ được học những kĩ năng cơ bản của nghề mà em còn học được kĩ năng giao tiếp, ứng xử tình huống, quản lý tài chính… Với kĩ năng học được của nghề pha chế giúp em ứng dụng vào cuộc sống, pha chế các loại đồ uống trong gia đình hàng ngày và khi có khách. Nếu trước đây, việc pha chế các loại đồ uống chỉ đơn giản là vắt, ép thô sơ và pha với nước, đường, hiện em áp dụng kĩ thuật cao để có thể pha chế đồ uống ngon như các cửa hàng.

Khi mới học nghề pha chế, bố mẹ em không ủng hộ vì muốn con tập trung tối đa cho học văn hóa. Tuy nhiên sau một thời gian học nghề thấy em tiến bộ hơn trong cả học tập lẫn giao tiếp, thạo nghề pha chế, bố mẹ vui mừng và ủng hộ. Trong kỳ nghỉ hè năm lớp 10, tận dụng thời gian rảnh em làm thêm cho cửa hàng đồ uống và có thu nhập hơn 2 triệu/tháng (80.000 đồng/1 giờ). Thậm chí, em có thể đăng bán các sản phẩm đồ uống trên mạng và ship tận nơi cho các bạn có nhu cầu…  - Em Đàm Thu Thành 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944