Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Lớp học giữa đại ngàn

GD&TĐ - 7 năm xa nhà, chuyển công tác đến 3 lần, nhưng thầy Tuyền chưa lần nào than thở vì khó khăn. Yêu nghề, thương các em học sinh nên thầy...
Lớp học giữa đại ngàn

Lên non truyền con chữ

9 giờ sáng, đoàn chúng tôi được thầy Lê Văn Thức – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ngọk Tem dẫn đường vào thăm điểm trường Điek Tà Âu (xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Mặc dù cả đoàn đợi xế trưa mới đi, tuy nhiên vẫn không tránh được lớp sương mù bao phủ trắng xóa.

Dù là ban ngày nhưng xe cộ đi lại vẫn phải bật đèn để tránh các phương tiện đi ngược chiều. Màn sương dày kịt, những hạt mưa cứ thế táp vào mặt khiến quãng đường vào điểm trường càng khó khăn, xa xôi diệu vợi.

Sau khi băng qua những con đường khúc khuỷu, dốc cao thẳng đứng, bên cạnh là vực sâu thăm thẳm cả đoàn cũng đến được Điek Tà Âu. Tuy nhiên, do đường sình lầy, trơn trượt nên tất cả gửi xe máy và đồ đạc không cần thiết lại nhà dân để giữ sức “cuốc bộ” leo dốc vào điểm trường.

Do chưa quen địa hình, trời lại vừa mưa xong nên đường trơn như đổ mỡ, chúng tôi cứ đi được một đoạn lại trượt té. Để động viên cả đoàn, thầy Thức chia sẻ: “Cứ mưa xuống là con đường đất lại sình lầy, trơn tuột như vậy đấy. Các thầy cô giáo cắm bản ở đây vào mùa mưa phải lội bộ khoảng 4km để lên điểm trường. Người dân cũng phải để xe lại ven đường, chứ không thể leo lên con dốc này được”.

Lớp học giữa đại ngàn - Ảnh minh hoạ 2
Do là lớp ghép nên 11 em học sinh phải ngồi xoay lưng lại với nhau để học. 

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ, điểm trường Điek Tà Âu lẩn khuất giữa những làn sương mờ ảo trên ngọn núi Ngọk Brel. Mọi người thở hắt vui mừng rồi ngồi phịch xuống nghỉ chốc lát vì chân ai nấy đều mỏi rã rời.

Từ xa, chúng tôi đã nghe những tiếng ê a tập đọc của những đứa trẻ vùng cao. Lại gần, điểm trường Điek Tà Âu chỉ vỏn vẹn có một phòng học với 2 lớp ghép là lớp 1 và 2. Thầy Đoàn Văn Tuyền (28 tuổi) - dáng người nhỏ nhắn đang say sưa dạy 11 em học sinh người Ca Dong.

Mặc dù phòng học được sửa sang vững chãi và khang trang, nhưng bàn ghế đã sờn cũ. Ở 2 đầu phòng học, 2 chiếc bảng cũng đã xỉn màu, 2 tốp học sinh ngồi xoay lưng lại với nhau. Một bên các em đang tập đánh vần, bên còn lại đang cặm cụi làm những phép toán đơn giản.

11 giờ trưa, lớp học kết thúc, lũ trẻ dọn sách vở và không quên khoanh tay chào thầy giáo. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, lũ trẻ cũng lễ phép cúi đầu chào rồi rảo bước ra về. Trên tay chúng lỉnh kỉnh áo mưa, túi bóng để quần áo và sách vở không bị ướt. Đi được một đoạn lũ trẻ vẫn ngoái đầu lại nhìn, nở nụ cười rạng ngời vẫy tay chào mọi người.

Chia tay lũ trẻ, thầy Tuyền dắt chúng tôi về nơi ở của thầy (được người dân cho mượn). Căn nhà sàn được chắp vá bằng những tấm ván tạm bợ, bên dưới được lót bằng nhiều phên nứa, chi chít lỗ hổng. Một lúc gió lại lùa từ dưới những tấm phên lên, rít từng hồi.

Lớp học giữa đại ngàn - Ảnh minh hoạ 3
 Các em học sinh lỉnh kỉnh mang đồ đạc về nhà.

Kéo trò đến lớp bằng... kẹo

Cất giáo án vào góc nhà, thầy Tuyền vội xắn áo vào chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Đôi tay thoăn thoắt vừa làm, thầy vừa kể: Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh nắng gió, sau khi ra trường, ở quê không xin được việc làm nên thầy khăn gói lên Kon Tum. Đến nay đã có 7 năm gắn bó với mảnh đất này, tuy nhiên cũng 3 lần chuyển công tác.

Trước khi chuyển lên điểm trường Điek Tà Âu, thầy đã được đồng nghiệp “cảnh báo” về những khó khăn nơi đây. Tuy nhiên, vì yêu nghề, mến các em học sinh nên thầy vững bước lên đường để tiếp tục “gõ đầu trẻ”.

Ngày thầy Tuyền lên nhận công tác ở Điek Tà Âu trời mưa rả rích. Với hành trang là chiếc xe máy cũ cùng giáo án và vài bộ quần áo, thầy băng qua những đoạn đường ngoằn nghoèo, hiểm trở. Đến đoạn đường xấu không đi được đành để xe ở nhà người dân rồi đi bộ lên. Đi mãi, hỏi đường cả chục lần mới đến được điểm trường.

Những ngày đầu, thầy gặp khó khăn khi làm quen với học trò mới của mình. Bởi người dân nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức (giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước sạch, kinh tế chậm phát triển) nên đời sống còn nhiều lạc hậu, nghèo đói. Thời gian đầu, thầy Tuyền phải dạy các em vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt. Sau đó là dạy cho lũ trẻ thoát khỏi mặc cảm, tự ti. Nhiều buổi học, thầy phải lặn lội đến từng nóc nhà để vận động các em học sinh đến lớp. Để các em đi học chăm chỉ và hăng hái phát biểu, thầy phải mua kẹo để khuyến khích lũ trẻ. Dần dần, thầy và trò trở nên thân thuộc, gần gũi, các em học sinh cũng siêng năng đến lớp học con chữ.

Lớp học giữa đại ngàn - Ảnh minh hoạ 4
Mặc dù đã xế trưa, nhưng đường vào Điek Tà Âu vẫn mờ sương. 

11 trò, 2 giáo án

“Mặc dù có 11 học sinh, nhưng do là lớp ghép nên mình phải soạn 2 giáo án khác nhau. Để không bị lẫn lộn kiến thức của 2 lớp, mình dạy chéo, nếu lớp 1 học Toán thì lớp 2 học Tiếng Việt và ngược lại.

Các em học sinh nơi đây mặc dù tiếp thu chậm nhưng rất ngoan và nghe lời thầy cô. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các em là động lực giúp mình cố gắng mỗi ngày”, thầy Tuyền tâm sự.

Không chỉ con đường gieo chữ mà con đường vợ chồng thầy gặp nhau cũng gian nan không kém. Thầy Tuyền và vợ quen nhau từ thời sinh viên, sau khi ra trường 2 người dắt díu nhau lên mảnh đất Kon Tum. Tuy nhiên, rui rủi thay 2 người lại dạy ở 2 điểm trường khác nhau, cách hơn 50 km.

Do khoảng cách và công việc nên 2 vợ chồng đành gửi con gái đầu lòng cho bà ngoại nuôi. Cứ cuối tuần thầy Tuyền lại chạy xe qua thăm vợ, còn con gái có khi cả tháng hoặc vài tháng mới về ngủ với con được một đêm. Mỗi lần về nhà thăm con, 2 vợ chồng cũng không thể đi cùng nhau, mỗi người rẽ một hướng rồi hẹn gặp nhau ở nhà.

Lớp học giữa đại ngàn - Ảnh minh hoạ 5
 Cả đoàn quây quần cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng xua tan cái giá lạnh.

Ở đây mưa rừng có khi kéo dài cả tháng. Trời mưa đường đi lại khó khăn, chưa kể có thể sạt lở. Do đó, mùa mưa mặc dù nhớ con da diết nhưng thầy Tuyền cũng không dám liều mạng chạy xe về. Mỗi đêm như thế, cùng với gió lạnh rít qua các khe cửa, thanh nứa, cảm giác như cắt da cắt thịt.

Người dân trong làng sợ thầy thấy khó, thấy khổ sẽ bỏ về nên thường xuyên qua tâm sự, có bó rau, con cá ngon cũng mang qua để thầy nấu cơm. Ông Già A Thao (70 tuổi) cũng sợ thầy về xuôi, lũ trẻ sẽ không được ai dạy nữa nên đón thầy về ở cùng. “Gia đình chẳng có gì cả, chỉ có tấm lòng yêu quý thầy Tuyền. Thầy ở trong nhà mình có rau ăn rau, có thịt ăn thịt. Mình coi thầy như con cái trong gia đình. Thầy ở lại đây, lũ trẻ mới biết được con chữ, chứ thầy mà về xuôi, làng mình cứ lạc hậu mãi thôi”.

Thầy Vũ Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ngọk Tem cho biết: Trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn, làng xa xôi. Trong đó, Điek Tà Âu là một trong những điểm trường khó khăn, xa xôi nhất.

Với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn, đường đi lại hiểm trở, ít tiếp cận được với bên ngoài nên còn nhiều hủ tục. Do đó, những thầy cô giáo gieo chữ trên điểm trường như Điek Tà Âu không chỉ dạy kiến thức cho các em học sinh, mà còn tuyên truyền, vận động bà con thay đổi trong suy nghĩ và lối sống văn hóa.

Không riêng Điek Tà Âu mà toàn trường tỷ lệ học sinh đến lớp gần như đạt 100%. Ở những nơi khó khăn như thế này, việc giữ trò đến lớp như một “cuộc chiến” trường kỳ của các thầy cô.
                                                                         Thầy Vũ Ngọc Thành

Dung Nguyễn

Tác giả bài viết: Dung Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944