Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Nghệ An: Thành quả bền vững từ giải pháp đột phá đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An đạt nhiều thành quả đột phá về giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực.
Nghệ An: Thành quả bền vững từ giải pháp đột phá đổi mới giáo dục

Đây cũng là giai đoạn ngành giáo dục tỉnh thực hiện nhiều đổi mới quan trọng từ các cấp quản lý đến từng nhà trường, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018.

Chất lượng giáo dục phát triển toàn diện, vững chắc

Năm học 2019 – 2020 dù bị ảnh hưởng dịch Covid nhưng ngành giáo dục Nghệ An vẫn nỗ lực đảm bảo các mục tiêu đề ra. Theo đó, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường học vừa phòng dịch, vừa triển khai ôn tập, dạy học trực tuyến, tinh giản chương trình sau khi học sinh đi học trở lại. Qua đó, giúp các đơn vị giáo dục hoàn thành năm học theo kế hoạch mà vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng năm học, cấp học.

Về kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020, Nghệ An cũng bảo đảm thực hiện 2 mục tiêu: Kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc đúng chất lượng và đảm bảo tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho cán bộ coi thi, thí sinh và phụ huynh ở các trường thi.

Nghệ An: Thành quả bền vững từ giải pháp đột phá đổi mới giáo dục - Ảnh minh hoạ 2
Nghệ An tuyên dương học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020

Đây cũng là năm học mà Nghệ An có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2019 và thay sách giáo khoa lớp 1. Trong đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị tập huấn cho 530 hiệu trưởng, 250 tổ trưởng chuyên môn, 250 giáo viên chủ nhiệm. Để chuẩn bị cho thay SGK mới, hơn 2.300 giáo viên lớp 1, hơn 10.000 giáo viên lớp 6 cũng đã được tập huấn, bồi dưỡng.

Năm học vừa qua, Nghệ An cũng chính thức triển khai xây dựng 14 trường học trọng điểm chất lượng cao. Chú trọng xây dựng các mô hình mới trong giáo dục, tăng cường dạy học STEM. Đồng thời thúc đẩy xây dựng xã hội học tập. Vừa qua, TP. Vinh được UNESCO công nhận trở thành “thành phố học tập toàn cầu”.

Kết thúc năm học 2019 - 2020, và giai đoạn 2016 – 2020, chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện của Nghệ An không ngừng được nâng lên, đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng phổ cập giáo dục đạt thành tích đột phá; chất lượng giáo dục phổ thông được khẳng định vững chắc; kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế liên tục xếp thứ 3 tốp đầu cả nước.

Tính đến nay, Nghệ An có 1.147 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 72,6%, vượt chỉ tiêu đề ra. Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học phát triển tốt.

Tiếp tục đổi mới giáo dục, sắp xếp mạng lưới trường lớp

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An cũng thực hiện nhiều đổi mới về giáo dục và đào tạo. Trong đó, đổi mới về quy chế kiểm tra, đánh giá; giảm tải các kỳ thi, góp phần tạo niềm tin của người dân vào ngành Giáo dục.

Cụ thể, dần bãi bỏ các cuộc thi không hiệu quả, gây áp lực cho học sinh mà chỉ còn tổ chức Kỳ thi HSG cấp huyện, thành, thị cho HS lớp 9; thi HSG cấp tỉnh cho học sinh lớp 9, 11, 12; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; thi KHKT học sinh trung học và Kỳ thi THPT quốc gia (theo quy định của Bộ GD&ĐT).

Bên cạnh đó, để tăng cường các kỹ năng, năng khiếu và sự sáng tạo của học trò, tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, ngày hội thể thao…

Nghệ An cũng xây dựng được đội ngũ cán bộ nhà giáo, quản lý có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới. Giữ vững tỷ lệ 100% giáo viên đạt chuẩn (trước 1/7/2020); tỷ lệ trên chuẩn đào tạo được nâng lên. Về cách thức tổ chức thi, đánh giá giáo viên giỏi cũng được đổi mới theo hướng chú trọng về phương pháp, kỹ năng dạy học thay vì nặng kiểm tra lý thuyết, lý luận.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề và du học có chuyển biến tốt. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển về số lượng và chất lượng.

Nghệ An: Thành quả bền vững từ giải pháp đột phá đổi mới giáo dục - Ảnh minh hoạ 3
Tập trung phát triển chất lượng giáo dục miền núi là một trong những mục tiêu của ngành giáo dục Nghệ An nhưng năm tới.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục Nghệ An vẫn có nhiều khó khăn và tồn tại chưa được giải quyết. Chất lượng giáo dục đại trà chênh lệch lớn giữa các huyện miền xuôi và 10 huyện miền núi; điểm tuyển sinh vào lớp 10 ở một số địa phương thấp; chất lượng dạy học ngoại ngữ chưa có sự cải thiện lớn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, đặc biệt là khi triển khai chương trình phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 1.082 điểm trường lẻ và có 1.255 phòng học tạm, mượn. Về đội ngũ vẫn còn thiếu. Nếu năm 2020, Nghệ An được bổ sung 7.843 biên chế cho ngành GD&ĐT, thì từ năm 2021 - 2025 cần bổ sung 3.500 giáo viên (1.000 giáo viên mầm non, 2.000 giáo viên THCS, 500 giáo viên THPT).

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, trong năm học 2020 – 2021, ngành sẽ tiếp xây dựng kế hoạch phù hợp, có giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đồng thời sẽ rà soát quy hoạch trường lớp để phù hợp với vùng, miền, giảm điểm lẻ. Hiện ngành đang tham mưu để triển khai mô hình trường tiểu học bán trú để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Trên thực tế, nhiều địa phương như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương đã chủ động triển khai mô hình và đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế và hỗ trợ nên các trường tiểu học vùng cao và giáo viên đang rất vất vả. Việc tổ chức bán trú hoàn toàn tự nguyện, vì học sinh.

Đặc biệt, để đáp ứng chương trình phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục cần phải thực sự chủ động vào cuộc, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các hoạt động. Trong đó, mỗi cơ sở giáo dục phải xây dựng được chương trình nhà trường, tầm nhìn, chiến lược, triết lý giáo dục phù hợp. Từ đó làm kim chỉ nam trong nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nhà trường lâu dài.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944