Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Nỗ lực bảo đảm đời sống giáo viên mầm non trong dịch Covid-19

GD&TĐ - Bảo đảm đời sống giáo viên mầm non là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương trong năm học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Nỗ lực bảo đảm đời sống giáo viên mầm non trong dịch Covid-19

Hỗ trợ giáo viên mầm non bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Bắc Ninh là một trong các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Năm học 2020-2021, trẻ mầm non của tỉnh này bị gián đoạn, không được đến trường thường xuyên.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non ngày 18/8, bà Lương Thị Biển, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, cho biết: Sau 2 đợt nghỉ phòng chống dịch bệnh Covid-19 (từ 29/1/2021 đến 29/2/2021 và từ 6/5/2021 đến nay), tại thời điểm dịch bùng phát lớn nhất, toàn tỉnh Bắc Ninh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 65 cơ sở giáo dục mầm non có liên quan đến các ca mắc Covid-19.

Bắc Ninh có 53 trường mầm non được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, 12 trường trưng dụng làm nơi ở cho công nhân, nhân viên y tế và các lực lượng tham gia phòng chống Covid-19.

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 38 là F0; 304 là F1, 453 là F2; 76 trẻ mầm non là F0, 1.367 trẻ là F1, 2.746 trẻ là F2 và 1.878 trẻ là F3; có 15.599 cha mẹ trẻ gặp rất nhiều khó khăn khi trẻ nghỉ ở nhà.

Trước bối cảnh đó, giáo dục mầm non Bắc Ninh đã triển khai một số giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ và tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non.

Theo bà Lương Thị Biển, ngành Giáo dục đã phối hợp với Liên đoàn, Công đoàn và tổ chức các cấp hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ mầm non là F0 và F1 diện khó khăn, con của đoàn viên công đoàn là F0 với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/người. Tổng số có 276 cán bộ, giáo viên và trẻ mầm non được hỗ trợ với mức kinh phí là 408 triệu đồng.

Cùng với đó, chỉ đạo, phối hợp tổ chức rà soát và thực hiện chi trả chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong diện thuộc các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện đã có 881 người được hưởng hỗ trợ với số tiền là trên 3,278 tỷ đồng.

“Để bảo đảm đời sống cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và duy trì hoạt động sau dịch, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã hỗ trợ việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và hỗ trợ mức lương cơ bản theo hợp đồng lao động hoặc kinh phí theo khả năng của đơn vị. Mức hỗ trợ cao nhất là 4,5 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 500 nghìn đồng/tháng. Có 2.459 giáo viên, nhân viên (95%) được hưởng hỗ trợ những tháng theo năm học, 85% được hỗ trợ theo các tháng trong năm” - bà Lương Thị Biển cho hay.

Nỗ lực bảo đảm đời sống giáo viên mầm non trong dịch Covid-19 - Ảnh minh hoạ 2
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị.

Quan tâm giáo viên ngoài công lập

Tại Hà Nội, chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quang Tuấn, đến nay, Sở GD&ĐT đã tham mưu để thực đầy đủ các cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định 105 của Chính phủ. Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang phối hợp với các sở ban ngành tham mưu trình danh mục dịch vụ, định mức kinh tế- kỹ thuật, quy định khung mức giá và mức giá dịch vụ để trình Hội đồng nhân dân thành phố trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ tháo gỡ một phần khó khăn cho giáo viên hợp đồng và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Sở LĐ-TBXH đề xuất UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành nghị quyết đặc thù số 15, ngày 13/8/2021.

Theo đó, hỗ trợ người lao động trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có ký hợp đồng nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, phải nghỉ việc không hưởng lương, hoặc phải chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, hỗ trợ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải tạm dừng hoạt động và không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. “Hiện nay, triển khai thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng trên đang được thực hiện” – ông Nguyễn Quang Tuấn cho hay.

Tham luận tại Hội nghị, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho biết đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, hỗ trợ cho các nhóm lớp độc lập.

Theo đó, các nhóm trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học trị giá 20 triệu đồng/nhóm trẻ;

Hỗ trợ tiền đối với trẻ em mầm non đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là con công nhân, người lao động làm việc tại khu, cụm công nghiệp với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Chính sách hỗ trợ tiền cho giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, mỗi giáo viên được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, các cơ sở nhóm lớp độc lập luôn bảo đảm chế độ tiền lương và thưởng cho giáo viên mầm non, để bảo đảm ổn định đời sống của giáo viên. 100% giáo viên mầm non đều được tham gia bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ; được tham gia các hoạt động chuyên môn của bậc học.

Về chế độ chính sách cho giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, Sở GD&ĐT Bắc Giang thông tin: Giáo viên mầm non được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; các cơ sở nhóm lớp độc lập luôn bảo đảm chế độ tiền lương và thưởng cho giáo viên mầm non.

“Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020, ngành Giáo dục Bắc Giang đã vận động cán bộ, công chức, viên chức toàn ảnh ủng hộ cho giáo viên, nhân viên trong ngành k có lương do nghỉ dịch. Theo đó, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đều được hỗ trợ 1.200.000 đồng, nhân viên nuôi dưỡng được hỗ trợ 500.000 đồng” – báo cáo của Sở GD&ĐT Bắc Giang cho hay.

Tại hội nghị, những vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên mầm non; biên chế phòng GD&ĐT; đánh giá giáo viên và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo chuẩn mới quy định tại Luật Giáo dục; chính sách đối với nhà giáo được đặc biệt quan tâm.

Liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, đồng thời có văn bản gửi Bộ Nội vụ về lộ trình và giải pháp bổ sung giáo viên. Năm học 2020-2021, đã thực hiện bổ sung 20.300 giáo viên cho 22 tỉnh/thành.

Về đề xuất quy định số giáo viên/lớp trên định mức tối thiểu, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ nghiên cứu, tham mưu trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề biên chế phòng GD&ĐT, theo TS Vũ Minh Đức, các Sở/Phòng GD&ĐT cần chủ động tham mưu với UBND tỉnh/huyện, vì nội dung này thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương (theo quy định tại Nghị định 37/2014 và Nghị định 107, 108/2020/NĐ-CP)

Về đánh giá giáo viên và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo chuẩn mới quy định tại Luật Giáo dục 2019, TS Vũ Minh Đức cho biết: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đang tham mưu để Bộ GD&ĐT có hướng dẫn bám sát lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71.

Nội dung được quan tâm nhất là chính sách đối với nhà giáo, TS Vũ Minh Đức lưu ý các Sở GD&ĐT chủ động tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế đặc thù của địa phương (có thể tham khảo kinh nghiệm của Hà Nội, Phú Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Long). Về phía Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng hệ thống tiền lương, báo cáo Chính phủ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944