Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tự chủ

GD&TĐ - “Hiện tại về cơ bản chúng tôi đã tự chủ chi thường xuyên đến 90% rồi. Giờ chỉ mong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cùng các nghị định hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển tốt hơn…” - PGS.TS Đỗ Anh Tài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) tự tin bày tỏ khi bàn về vấn đề tự chủ trong trường ĐH.
Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tự chủ

Chuẩn bị sẵn tâm thế đón...…tự chủ

Hiện Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên đang tích cực chuẩn bị cho việc tự chủ đại học. Việc đầu tiên nhà trường triển khai chính là thay đổi tư duy của cán bộ, giảng viên, hình dung sơ bộ về việc khi tự chủ sẽ sắp xếp cán bộ như thế nào, cần phải có trình độ ra sao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Về tài chính, chi thường xuyên của nhà trường cơ bản không còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp. Tuy nhiên, vì nguồn tài chính còn eo hẹp nên có phần khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Nhà trường đang lên một kế hoạch toàn diện cho việc tự chủ tài chính, chủ động đầu tư cho hạ tầng cơ sở.

Việc xây dựng những quy chế nội bộ để đáp ứng dần với yêu cầu tự chủ cũng được nhà trường rất chú trọng. Đến nay cơ bản đội ngũ cán bộ giảng viên trong trường đã nắm bắt được chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tự chủ trong các trường đại học, mọi người cũng đã hình dung việc mỗi người phải cố gắng nỗ lực trong công việc để đạt được hiệu quả cao và cũng đã hiểu và đồng cảm cùng tập thể lãnh đạo nhà trường về tương lai phát triển nhà trường.

Đứng trước việc chuẩn bị cho tự chủ của nhà trường, ban lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên đã bàn bạc về việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong trường nhằm phát huy tối đa năng lực của mọi người. Hiện nay nhà trường đang thí điểm cho một số đơn vị tự chủ một phần để rút kinh nghiệm và chuẩn bị mô hình, phương án cho việc tự chủ của các đơn vị trong trường. 

Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi về cơ cấu ngành nghề và nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ giảng viên, thiết kế lại toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thị trường lao động cũng như cung cấp nguồn lực lao động với chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Các cán bộ giảng viên của trường được tham gia nhiều khóa học với chuyên gia nước ngoài để ứng dụng vào công việc thực tế. PGS Đỗ Anh Tài cho biết: “Trước đây, việc xây dựng và đổi mới chương trình cứ 2 năm diễn ra một lần nhưng hầu như chưa có sự thay đổi, vẫn theo kiểu mình có gì thì dạy cái đó, không gắn với nhu cầu của xã hội. Bây giờ gần như thay đổi hoàn toàn chương trình đào tạo cũ, xây dựng chương trình mới phù hợp với thực tiễn và vì lợi ích của người học”.

Vai trò kết nối của ĐH vùng

Theo PGS Đỗ Anh Tài, những sửa đổi trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH đã rất tích cực, tháo gỡ khá nhiều khó khăn cho các trường ĐH.

Từ thực tế Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, PGS Đỗ Anh Tài mong muốn khi tự chủ ĐH sẽ được các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể trong quản lý con người, tài chính, để có thể khuyến khích, phát huy hết năng lực của các giảng viên, cán bộ trong trường; đồng thời có khung pháp lý cho các trường được quyền quyết định mở - đóng, chuyển đổi các ngành đào tạo một cách linh hoạt.

GS.TS Đặng Văn Minh - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên - chia sẻ: “ĐH Thái Nguyên có nhiều trường thành viên và đã thực hiện việc phân cấp, phân quyền tối đa từ tuyển sinh cho đến quyết định nhân sự, quyết định chiến lược phát triển của nhà trường trong các trường thành viên. Bài toán chúng tôi đang suy nghĩ là: Vai trò của ĐH vùng trong việc kết nối lại khi các trường tự chủ? Làm sao để “khâu” các trường thành viên lại thành một hệ thống, phát huy được sức mạnh của nhà trường, đồng thời ĐH Thái Nguyên có vai trò điều phối, quản lý ở cấp vĩ mô…”.

Tác giả bài viết: Gia Hân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944