Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Sẽ cải tiến kỹ thuật phần mềm, quy trình xét tuyển đại học, cao đẳng

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). Theo ông Trần Anh Tuấn, điểm chuẩn đầu vào chỉ là bước đầu tiên, còn quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra mới là quan trọng.
Sẽ cải tiến kỹ thuật phần mềm, quy trình xét tuyển đại học, cao đẳng

* Năm nay, với quy định bỏ "điểm sàn", nhiều người lo ngại các trường vơ bèo vạt tép. Vậy Bộ có giải pháp gì để ngăn chặn và xử lý tình trạng này nếu xảy ra?

- Khi chúng tôi không quy định điểm sàn ngoài khối ngành sư phạm, có hai việc: Một là, tăng điều kiện cho các trường tự chủ trong quá trình tuyển sinh theo luật định.

Hai là: Tạo tự chủ cho các trường cân đối "điểm sàn" theo từng ngành, khối ngành phù hợp với đặc điểm của ngành, của trường, vùng miền để họ có thể tuyển được đối tượng đúng nhất.

Về mối lo ngại khi các trường để điểm sàn quá thấp, Bộ đã truyền thông rất kỹ về việc điểm sàn hạ thấp ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của nhà trường. Điều này xã hội biết rõ nếu hạ điểm sàn quá thấp thì ảnh hưởng đến thương hiệu nhà trường. Trên thực tế không có trường nào hạ thấp điểm sàn này.

 
Ông Trần Anh Tuấn

* Trước tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều ý kiến cần siết chặt đầu vào, đầu ra. Vậy năm nay hạ điểm như thế này liệu có hợp lý không?

- Thứ nhất, phải khẳng định năm nay không hạ điểm chuẩn mà dựa trên phổ điểm và nguyên tắc xét tuyển thì các trường căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký vào ngành và chỉ tiêu của họ để xác định điểm chuẩn của từng ngành, khối ngành của trường.

Tính trên phổ điểm năm 2018, số điểm từ 15 đến 20 điểm không chênh so với năm 2017. Vì vậy các trường không hạ điểm nhiều so với năm 2017

Điểm chuẩn đầu vào là bước đầu tiên khi các trường tuyển sinh muốn tìm kiếm đối tượng đào tạo phù hợp với mình. Còn trong quá trình đào tạo là một quá trình khắc nghiệt, quá trình sàng lọc rất cao để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Vì thế, có trường chỉ có 60-65% số sinh viên tuyển vào tốt nghiệp được. Đó là quá trình sàng lọc nghiêm ngặt để đảm bảo sinh viên ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được công việc sau này.

Sẽ cải tiến kỹ thuật phần mềm, quy trình xét tuyển đại học, cao đẳng - Ảnh minh hoạ 2
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học

* Cũng liên quan đến câu chuyện đầu vào, chất lượng đầu ra, nhiều trường đang có lộ trình siết chặt đầu ra. Vậy có thể kỳ vọng đây là giải pháp bền vững để chấm dứt tình trạng tuyển sinh ồ ạt của các trường?

- Trên thế giới bao giờ cũng chú trọng chuẩn đầu ra. Sinh viên muốn tốt nghiệp ra trường phải đạt được lượng kiến thức cũng như kỹ năng nhất định. Vì vậy quá trình đào tạo hiện nay, các trường đã rất ý thức được chất lượng đào tạo bởi điều này gắn liền với uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Nếu trường nào đào tạo tốt, có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao, thì sẽ khẳng định được thương hiệu của nhà trường. Khi có thương hiệu thì thí sinh sẽ đăng ký vào nhiều. Thí sinh đăng ký vào nhiều thì điểm chuẩn sẽ cao. Vòng tròn này được lặp đi, lặp lại.

Cho nên văn hóa chất lượng hiện nay đã được các trường nắm rõ và ý thức được việc này. Đây là điểm đáng mừng cho các trường và văn hóa chất lượng đã được đẩy mạnh hơn.

* Thưa ông, theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Nhưng với những gì diễn ra trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ sẽ tiếp thu và điều chỉnh ra sao để tiếp tục hoàn thiện phương án tuyển sinh, đảm bảo thuận lợi cho các trường mà vẫn đảm bảo độ phân hóa, đặc biệt đảm bảo chất lượng nguồn tuyển?

- Về mặt tổng thể, cho đến năm 2020 quá trình tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ giữ nguyên. Chúng tôi sẽ cải tiến kỹ thuật như: phần mềm, quy trình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thí sính và tạo điều kiện tối đa trong quá trình xét tuyển.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Minh Phong (ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944