Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác”

GD&TĐ - Ngày 27/4, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác năm học 2017 - 2018”.
Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác”
Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác”
Ông Triệu Ngọc Lâm trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Trung Thành với tác phẩm “Em là cô giáo vùng cao”

Dự buổi lễ có TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, đại diện Công đoàn ngành Giáo dục TP Hà Nội.

Những câu chuyện kể xúc động

Cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng trong ngành Giáo dục và Đào tạo cùng toàn xã hội về truyền thống tốt đẹp, về các tấm gương thầy giáo, cô giáo đã và đang tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người, gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến “Nhà giáo tiêu biểu” trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Các tác phẩm dự thi được viết ở nhiều thể loại khác nhau, với nhiều câu chuyện xúc động không chỉ ở trên bục giảng, nhà trường mà còn trong cuộc sống thường nhật của các nhà giáo. Đó là những câu chuyện người thật, việc thật về một hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm để đổi mới nhà trường; hay những hiệu trưởng năng động, sáng tạo làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng trường lớp;

Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” - Ảnh minh hoạ 2
Ông Triệu Ngọc Lâm phát biểu tại buổi lễ 

Đó còn là những thầy, cô giáo tình nguyện cắm bản, bám trường, bám lớp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hay còn là những lần đi vận động học sinh đến trường các thầy, cô giáo vùng sâu, vùng xa và những tấm gương giàu nghị lực của các em học sinh nghèo đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành con ngoan, trò giỏi...

Có một thầy giáo tên là Nguyễn Sĩ Hà ở xã Phúc Trách, Bố Trạch, Quảng Bình. Cả cuộc đời thầy gắn bó với giáo dục vùng khó, đem con chữ về với bản làng. Hành trình gieo chữ của thầy đã khiến một nữ đồng nghiệp cảm phục và viết thành bài dự thi.

Hay như cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dương là một giáo viên Anh văn ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đăk Nang huyện Krông Nô, Đăk Lăk). Trường có trên 400 em học sinh thì trên 60% số học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ bỏ học rất cao.

Cô giáo Thùy Dương đã tích cực làm công tác từ thiện, vận động các mạnh thường quân để níu giữ cơ hội đến trường của các em. Ban đầu, cô cùng một số đồng nghiệp đi vận động người dân quyên góp mua xe đạp cho học sinh.

Cô huy động thêm những tấm lòng nhân ái cùng chung sức nấu bữa trưa cho học sinh trong trường (đến nay đã huy động nấu được 200 suất ăn mỗi bữa)… Trên 20 đợt vận động quyên góp, gíúp đỡ được trên 3.000 lượt học sinh khó khăn là kết quả của cuộc hành trình đầy tình yêu thương của cô Dương.

Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” - Ảnh minh hoạ 3
 Ông Nguyễn Minh Tường trao giải Ba cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải

Bên cạnh việc tích cực tham gia làm từ thiện, cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dương còn là người nhiệt huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, cập nhật các phương pháp dạy học mới. Nhiều năm liền cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm học 2016-2017, cô còn vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen về sáng tạo đổi mới trong giảng dạy.

Câu chuyện về cô giáo trẻ Phùng Thị Hiền – hiệu trưởng Trường Mầm non xã vùng cao Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn – Sơn La) khiến nhiều người cảm phục và xúc động. Phiêng Pằng là một trong 86 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La với 78% dân số là người dân tộc Xinh Mun. Giao thông đi lại rất khó khăn nên cuộc sống người dân trong xã chủ yếu là tự cung tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo ở đây luôn là trên ngưỡng 50%.

Rất nhiều khó khăn của Trường Mầm non với 11 điểm trường trong xã được cô Hiền và các đồng nghiệp lần lượt khắc phục. Trường thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho các con rất thô sơ. Lúc rảnh rỗi cô Hiền và các cô giáo khác đã tự làm đồ chơi cho trẻ. Khó khăn lớn nhất là về ngoại ngữ. Năm học nào cô Hiền cũng tổ chức một lớp học tiếng dân tộc cho giáo viên nhà trường.

Điều đặc biệt, cô Hiền còn phát động nhà trường giúp dân phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi giun quế phát triển đàn gia cầm. Thành quả chưa lớn nhưng bà con rất phấn khởi.

Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” - Ảnh minh hoạ 4
 TS Vũ Minh Đức trao giải Nhì cho cô Nguyễn Thị Diệp với tác phẩm “Em Ngọc”

Bám trụ ở trường, cô giáo Hiền không có nhiều thời gian cho gia đình , cho 2 cô con gái. Những khi nhớ nhà, cô chỉ biết vùi đầu trong chăn mà khóc. Cứ chiều thứ Sáu từ trường trở về đến nhà thì con đã lên giường ngủ rồi. Chiều chủ nhật, nhiều khi con ốm đòi mẹ mà cô Hiền vẫn phải trốn con trở về trường. Những lần như thế, tim cô như thắt lại…Theo lời tâm sự của cô giáo Hiền, điều may mắn đối với cô là có được người chồng tốt, yêu thương và thông cảm với công việc của vợ.

Gắn bó, tâm huyết với nghề, với nhiều thành tích được ghi nhận, cô giáo Hiền là một trong số những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của tỉnh Sơn La.

Sức lan tỏa mạnh mẽ của một cuộc thi trong ngành Giáo dục

Cuộc thi đã có sức lan tỏa lớn, sâu rộng và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Các cơ quan quản lý Giáo dục các tỉnh thành, các đơn vị, trường học các địa phương, đã thu hút được đông đảo học sinh và cán bộ, giáo viên cùng tham gia với hàng nghìn tác phẩm dự thi như: ngành Giáo dục Phú Yên; ngành Giáo dục Hà Tĩnh, ngành Giáo dục Phú Thọ....

Phát biểu tại buổi lễ, TS Vũ Minh Đức nhận định: Đây không đơn thuần là một cuộc thi, hoạt động này đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành GD, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước.

Sức lan tỏa của cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” - Ảnh minh hoạ 5
 TS Vũ Minh Đức trao giải tập thể cho Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ

Nhiều bài thi được tuyển chọn từ cấp trường, Phòng cho tới Sở GD&ĐT đã mang lại nguồn cảm hứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Thông qua việc tìm hiểu, viết gương điển hình cũng khơi gợi tình cảm, ý thức trách nhiệm của nhà giáo, giúp nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cán bộ, giáo viên trong ngành GD nỗ lực phấn đấu, tích cực làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể.

Tại lễ tổng kết và trao giải, BTC đã xây dựng một chương trình giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật trong các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc đạt giải.

Những chia sẻ của các tác giả, các nhân vật tại đây đã thực sự làm rung động tấm lòng của các đại biểu tham dự buổi lễ Như câu chuyện về em Nguyễn Thị Bích Ngọc – học sinh Trường THCS Di Trạch (huyện Hoài Đức – Hà Nội). Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo, em đang sống nhờ thận ghép, nhưng với nghị lực phi thường, vẫn trở lại trường học sau 3 năm gián đoạn để biến ước mơ trở thành bác sĩ của mình thành hiện thực, em đã vượt lên hoàn cảnh bệnh tật, là gương sáng về nghị lực cho các bạn học sinh khác noi theo.

Được phát động từ ngày 13/11/2017 - 28/2/2018, Cuộc thi đã thành công tốt đẹp với 11.000 bài dự thi, BTC đã lựa chọn được 100 bài vào vòng chung khảo. 

Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất cho tác phẩm “Em là cô giáo vùng cao” của tác giả Nguyễn Trung Thành, giáo viên Trường THPT Chu Văn Thịnh (Sơn La);

2 giải Nhì cho tác phẩm “Em Ngọc” của tác giả Nguyễn Thị Diệp - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội); Tác phẩm “Nhiệt huyết với “Sự nghiệp trồng người” nơi vùng khó” của tác giả Phạm Thị Quý - Giáo viên Trường TH Trần Văn Ơn (huyện Krongno, Đắc Nông).

Trao 3 giải Ba cho tác phẩm “Người thầy đại diện cho những tấm lòng vàng” của tác giả Phạm Thị Yến, Giáo viên Trường THCS xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn, Sơn La); tác phẩm “Việt cho cậu học trò của tôi” của tác giả Trần Thị Soa, Trường THPT Phan Đình Phùng(TP Hà Tĩnh); Tác phẩm “Từ cô học trò nghèo trở thành tác giả của bộ sách ôn thi Trung học phổ thông Quốc gia môn Toán học” của tác giả Đinh Thị Phương Nhâm, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình).

Trao 6 giải Khuyến khích cho các tác phẩm: “Mẹ Lý” - người thắp lửa tương lai” của tác giả Nguyễn Thị Huế - Trường THPT Mỹ Hào (Hưng Yên); “Thầy giáo mầm non hết lòng vì sự nghiệp trồng người” của tác giả Nguyễn Thị Kim Hệ - Giáo viên Trường Mầm non xã Công Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam); “Nguyễn Hồng Phượng- Cô giáo của học trò nghèo” của tác giả Phạm Thị Mai - Phòng GD&ĐT huyện Minh Châu, Tây Ninh; “Hoa đẹp bên sông” của tác giả Dương Thị Ánh - Trường TH Tân Phú (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ); “Vượt lên số phận bằng niềm tin mãnh liệt” của tác giả Trần Thị Tuyết Nghi - Lớp 12B1 Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau); “Câu chuyện về những người thầy tâm huyết với nghề” của tác giả Phạm Văn Tỏ, Trường THPT Hương Mỹ 1 (tỉnh Bến Tre).

Ban tổ chức cũng đã trao 3 giải tập thể cho các Sở GD&ĐT: Gia Lai, Phú Thọ, Sơn La vì đã có nhiều thành tích trong hưởng ứng tham gia cuộc thi.

Tác giả bài viết: Bá Hải - Ảnh: Trung Toàn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944