Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Tán thành cao nhiều nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục

GD&TĐ - Sáng nay (29/5), ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Tán thành cao nhiều nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời Ủy ban nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.

Về phạm vi sửa đổi và tên Luật, Ủy ban tán thành đề xuất của Chính phủ về việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển giáo dục phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 và yêu cầu của thực tiễn; khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trong Tờ trình; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách; nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan quản lý liên quan để xây dựng các chính sách, quy định của Luật Giáo dục phù hợp và khả thi.

Về tên Luật, Ủy ban tán thành tên gọi là “Luật Giáo dục sửa đổi” để phù hợp với phạm vi sửa đổi. Một số đại biểu đề nghị đổi tên Luật là “Luật Giáo dục 2018” để thể hiện quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Đa số thành viên Ủy ban tán thành đề xuất về tín dụng sư phạm

Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89), đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Tán thành cao nhiều nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục - Ảnh minh hoạ 2
Quốc hội họp tại hội trường sáng 29/5 

Cơ bản tán thành việc nâng chuẩn trình độ nhà giáo

Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như trong Dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.

Đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên.

Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.

Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.

Bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa chính sách lương nhà giáo trong Luật

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong Luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định; làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa Nhà nước – Nhà giáo – Người học, làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình.

Đối với chính sách lương của nhà giáo, đề nghị bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương. Cụ thể, Nghị quyết 29-NQ/TW (2013) yêu cầu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Quan điểm này đã được đặt ra từ Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII (1996).

Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung và làm rõ hơn trong Dự thảo Luật các quy định liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm các quy định về về khái niệm, tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng.

Tán thành cao nhiều nội dung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục - Ảnh minh hoạ 3

Tán thành tính đúng, đủ chi phí dịch vụ giáo dục

Về đầu tư, tài chính trong giáo dục, Ủy ban đề nghị Ban Soạn thảo cụ thể hóa quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”; tiếp tục xác định rõ và phân loại các nguồn đầu tư cho giáo dục, từ đó có các chính sách tài chính phù hợp với từng cấp học hoặc trình độ đào tạo và từng loại đầu tư.

Cần nghiên cứu quy định rõ tỷ trọng và nội dung đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo; bổ sung nội dung quản lý nhà nước liên quan đến tài chính, ngân sách dành cho giáo dục; rà soát để quy định chế độ tài chính, quyền tài sản của từng loại hình trường; tài chính, tài sản khi chuyển đổi loại hình, giải thể nhà trường.

Đối với vấn đề chi phí giáo dục, học phí, Ủy ban tán thành tính đúng, đủ chi phí dịch vụ giáo dục, làm căn cứ để đầu tư bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để làm rõ trách nhiệm về tài chính của Nhà nước tương ứng với từng cấp học và trình độ đào tạo; bổ sung cơ chế và tiêu chí để Nhà nước khi cấp học phí phải cấp đủ chi phí dịch vụ giáo dục cơ bản; cơ chế giám sát của Nhà nước và xã hội đối với học phí các cơ sở giáo dục ngoài công lập; làm rõ nội hàm, tiêu chí, điều kiện triển khai “dịch vụ giáo dục chất lượng cao”.

Xác định trách nhiệm của Nhà nước và người học trong độ tuổi phổ cập

Một số vấn đề khác Ủy ban cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu liên quan đến giáo dục mầm non; phổ cập giáo dục; đào tạo ngành, nghề đặc thù; về việc thí điểm trong lĩnh vực giáo dục; việc quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản

Trong đó, về phổ cập giáo dục, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (1992, 2013) về giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học; nghiên cứu để thể chế hóa quan điểm, nhằm đạt được các mục tiêu liên quan đến chính sách phổ cập giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW ; xác định trách nhiệm của Nhà nước và người học trong độ tuổi phổ cập, trong đó Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện và chất lượng giáo dục cơ bản trong độ tuổi phổ cập bắt buộc…

Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Dự án Luật), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) đã tổ chức giám sát việc thi hành Luật Giáo dục; làm việc với Ban soạn thảo; tổ chức hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến của một số chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động của Luật về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Ngày 21/4/2018, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ đã họp toàn thể để thẩm tra Dự án Luật theo Tờ trình số 123/TTr-CP ngày 11/4/2018 của Chính phủ.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (lược ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944