Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh trường học

GD&TĐ - Sáng 24/10, tại Trường ĐH Sài Gòn đã diễn ra hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh trường học

Hội nghị do Bộ GD-ĐT chủ trì, với sự tham dự của TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-DT, lãnh đạo vụ GD Thể chất, Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), đại diện tổ chức UNICEF, Ngân hàng thế giới, cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và hơn 200 đại biểu đến từ Sở GD-ĐT, trường học trong cả nước.

Gần 70% nhà (phòng) vệ sinh trường công đạt chuẩn 

Báo cáo tại hội nghị về kết quả thực hiện rà soát, đầu tư, cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch, ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm học 2017-2018, cả nước có khoảng 188.024 nhà (phòng) vệ sinh trong các cơ sở GD công lập. Tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh/trường là 4.63 WC/trường. Tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá 67.4%.

Tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh đạt chuẩn theo quy định tại thông tư liên tịch số13 ban hành ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế-Bộ GD-ĐT là 57.3%.

Đến năm học 2019-2020, cả nước có khoảng 270.695 nhà (phòng) vệ sinh học sinh trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập. Cụ thể, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh đạt chuẩn là 69,4%, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá là 77,2%. Tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh/ trường là 6,62 WC/trường. 

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh trường học - Ảnh minh hoạ 2
Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo báo cáo của các địa phương, các cơ sở GD hiện nay đang áp dụng một số mô hình quản lý, vận hành, bảo quản các công trình vệ sinh gồm: có 36,86% số cơ sở GD bố trí nhân viên phục vụ công tác nhà vệ sinh, thù lao được trích từ nguồn kinh phí của trường hoặc thuê nhân viên phục vụ công tác nhà vệ sinh, thù lao chi trả từ nguồn kinh phí xã hội hoá.

Có 17,76% cơ sở phối hợp với Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tổ chức mô hình tự quản làm công tác vệ sinh. 42,17% cơ sở tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên quản lý, bảo quản và tự làm công tác vệ sinh. 3,21% cơ sở GD sử dụng các hình thức khác như thuê dịch vụ chuyên nghiệp làm vệ sinh, kinh phí ngân sách của địa phương...

Từ thực trạng nói trên, đại diện Cục Cơ sở vật chất đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu như: nhận thức các cơ sở GD chưa cao, chỉ coi nhà vệ sinh là “công trình phụ”, giống như nhà vệ sinh dân dụng dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý sử dụng không đáp ứng nhu cầu; Ý thức bảo quản, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch của một số bộ phận học sinh chưa cao.

Bên cạnh đó, nhiều nơi thiếu kinh phí để các cơ sở GD duy trì bảo dưỡng các công trình. Ngoài ra, thực tế cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất tại một số cơ sở GD còn nhiều khó khăn, thiếu phòng học, phòng chức năng nên thiếu quan tâm đúng mức cho công trình nhà vệ sinh thiết kế nhà vệ sinh trong cơ sở GD chưa phù hợp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà vệ sinh nhiều nhưng chưa sát thực tế.

Đâu là giải pháp

Hội nghị đưa ra một số giải pháp như cần phải xem nhà vệ sinh trong các cơ sở GD là nhà vệ sinh công cộng đặc thù vì, chỉ sử dụng tại một số thời điểm nhất định trong ngày, thời lượng sử dụng ngắn. Mật độ học sinh sử dụng tại một thời điểm cao.

Các cơ sở GD cần phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc đảm bảo vệ sinh trường học; giáo dục học sinh ý thức sử sụng, bảo quản, giữ gìn các công trình vệ sinh, nước sạch…

Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền dành kinh phí thoả đáng để đầu tư xây dựng bổ sung, cải tạo, sửa chữa các công trình vệ sinh trường học theo đúng yêu cầu.

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh trường học - Ảnh minh hoạ 3
Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM trang bị rất nhiều bồn rửa tay, xà phòng rửa tay tại khuôn viên trường. Ảnh minh hoạ

Điều chỉnh lại quy định và mẫu thiết kế nhà vệ sinh trong nhà trường phù hợp. Cục Cơ sở vật chất cũng đã giới thiệu khá cụ thể về dự thảo thiết kế mẫu nhà vệ sinh trong các cơ sở GD mầm non, phổ thông và nhận được những ý kiến đồng tình của các Sở GD-ĐT.

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả các công trình vệ sinh, nước sạch, Vụ Giáo dục Thể chất cũng đã đưa ra đề xuất giải pháp cụ thể với Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các bộ ngành để công tác quản lý, hướng dẫn và sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong các cơ sở GD đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.  

Riêng với các địa phương cần dùng kinh phí thoả đáng tử nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho GD, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình GD phổ thông 2018.

Thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu về GD và các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình: phòng học, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, trong đó đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Các địa phương cần khẩn trương, quyết liệt rà soát và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển GD của địa phương.

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh trường học - Ảnh minh hoạ 4
Đại diện một số Sở GD-ĐT  trao đổi ý kiến tại hội nghị

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe chia sẻ của đại diện UNICEF, ngân hàng Thế giới cũng như những đề xuất, góp ý về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các công trình vệ sinh, nước sạch.

Đại biểu cũng được lắng nghe các tỉnh, thành gồm TP Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu… chia sẻ về thực trạng, đề xuất giải pháp liên quan đến việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, sử dụng, quản lý nhà vệ sinh, công trình nước sạch.

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công trình vệ sinh trường học - Ảnh minh hoạ 5
Nhiều trường học rất chú trọng đầu tư, quản lý, sử dụng hiệu quả, bảo quản tốt các công trình vệ sinh. Ảnh minh hoạ

Chú trọng công tác tham mưu, tuyên truyền và tăng cường sự phối hợp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá, nhiều kết quả, mô hình hay đã được một số tỉnh, thành áp dụng để nâng chất lượng các công trình vệ sinh, nước sạch trong các nhà trường.

Tuy nhiên để đạt hiệu quả được đồng đều, có tính bền vững, các cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm trong giai đoạn tới.

Theo Thứ trưởng, các Sở cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên để có thể đưa vào nghị quyết HĐND hoặc ban hành các văn bản chỉ đạo ráo riết, quyết liệt hơn của các địa phương về vấn đề này.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cần có sự kết nối nhịp nhàng, cách tuyên truyền hay để tất cả cùng nhận thức sâu sắc rằng công trình vệ sinh, nước sạch là công trình phụ mà không hề phụ.

Song song với đó, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ sở GD, có thể đưa vào tiêu chí thi đua... và đẩy mạnh nâng cao ý thức, thói quen cho học sinh sử dụng các công trình và bảo quản tốt.

Liên quan đến dự thảo về thiết kế mẫu nhà vệ sinh cho các cơ sở GD, Thứ trưởng cho rằng, dựa vào các tiêu chí chung, các địa phương cần xây dựng dựa trên điều kiện của đơn vị, phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh… không phải áp xuống cứng nhắc. Thậm chí có thể tổ chức toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến của cả học sinh. Triển khai cần có lộ trình. 

Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả các công trình vệ sinh, nước sạch trong nhà trường chú trọng số lượng đi đôi với chất lượng và song song với đó là công tác kiểm tra, đánh giá.

Theo Thứ trưởng Ngô thị Minh, để thực hiện hiệu quả, kinh phí là một vấn đề rất quan trọng, mấu chốt. Chính vì vậy, vai trò tham mưu của các đơn vị cho địa phương là rất quan trọng để có một tư duy, tầm nhìn mang tính tổng thể.

Cụ thể như, cần có sự quan tâm đúng mức đầu tư từ nguồn ngân sách, kinh phí ra sao, sử dụng như thế nào, có thể tận dụng được xã hội hoá, kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức…  và quan trọng là ngân sách các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch sẽ chuẩn bị cho năm tới như thế nào.

Các giải pháp phải hướng đến đảm bảo phát triển một cách tổng thể, đồng bộ, bền vững trong đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao nhận thức  đến "công trình phụ" mà không hề phụ. Đừng nghĩ nó là "phụ" mà nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh, công trình vệ sinh đúng nghĩa phục vụ cho các em học sinh như ở một số nơi trong thời gian qua.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944