Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Trẻ học kỹ năng sống: Đánh “trúng” và “đúng” tâm lý phụ huynh

Trẻ học kỹ năng sống: Đánh “trúng” và “đúng” tâm lý phụ huynh
GD&TĐ - Gõ tìm kiếm nhanh cụm từ “kỹ năng sống”, Google đưa ra khoảng 166.000.000 kết quả trong 0,4 giây cho thấy thông tin tìm kiếm và quan tâm về vấn đề này vô cùng lớn. Có muôn hình vạn trạng các kiểu dạy kỹ năng sống, dạy cho trẻ từ 2 - 3 tuổi đến 15 - 16 tuổi, đủ để đáp ứng bất cứ nhu cầu nào của các bậc phụ huynh.

Rảnh là cho con đi học kỹ năng sống

Vào sáng Chủ nhật hàng tuần, Công viên Tao Đàn (TPHCM) luôn đông đúc, nhộn nhịp bởi rất nhiều lều trại của các lớp hướng đạo sinh cho trẻ. Phần lớn đó là các buổi sinh hoạt tập thể với các trò chơi, hoạt động thể chất kéo dài trong một buổi sáng. Nhiều phụ huynh chở con đến từ sớm, đứng đợi con sinh hoạt xong khoảng giữa trưa rồi lại đưa con về.

Chị Hoàng Lan Anh (sống tại quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, cứ có thời gian rảnh là chị tìm các lớp kỹ năng sống để cậu con trai 12 tuổi tham gia. Chị quan niệm: “Con tôi đi học cả tuần, ở trường chỉ học kiến thức trong sách vở, về nhà thì học thêm rồi làm bài tập, cũng đâu có thời gian nhiều để làm việc khác. Vì thế tranh thủ đợt nghỉ nào dài dài là tôi cho con học thêm các kỹ năng sống, như hè thì học các khóa “Học kỳ quân đội”, nghỉ ngắn hơn thì tham gia mấy chương trình như “Hòa mình vào thiên nhiên”, rồi mấy lớp hướng đạo sinh… Cứ phải cho con học nhiều thì mới biết nhiều kỹ năng, sau vào đời mới không bỡ ngỡ”.

Trường hợp như gia đình chị Lan Anh hoàn toàn không phải hiếm gặp. Có lẽ chưa bao giờ, các loại lớp học, khóa học, trung tâm dạy kỹ năng sống lại nở rộ như hiện nay. Đặc biệt mỗi khi xảy ra một vụ việc chấn động xã hội như vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy tại quận 4 TPHCM, bé trai tử vong trên xe đưa đón học sinh tại trường Gateway…, số phụ huynh đổ xô cho con đi học kỹ năng sống lại càng tăng đột biến.

Trẻ học kỹ năng sống: Đánh “trúng” và “đúng” tâm lý phụ huynh - Ảnh minh hoạ 2
 Học kỹ năng bơi là cần thiết với trẻ. Ảnh:NT

Có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin giới thiệu về các loại lớp dạy kỹ năng sống này với những lời quảng cáo rất hay như giúp trẻ tự tin, độc lập, biết quản lý cảm xúc bản thân, giao tiếp hiệu quả, biết kính yêu cha mẹ, kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, chơi thông minh, dã ngoại khám phá, kỹ năng tập trung và làm chủ suy nghĩ, tư duy giải quyết vấn đề sáng tạo, kỹ năng đọc hiểu và trình bày… cùng các tên gọi ấn tượng như “Học kỳ quân đội”, “Lớp cai nghiện online”, “Hòa mình với thiên nhiên”, “Kỹ năng ghi nhớ”, “Lớp tu thiền viện”, “Học thành người có ích”, “Học làm bác nông dân”, “Lắp ráp rô-bốt”, “Khóa tu mùa hè”… Tất cả những thứ to tát đó được dạy trong khoảng 7 - 10 buổi học.

Nhu cầu của trẻ hay của cha mẹ?

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của các trại hè, khóa học, lớp học dạy kỹ năng sống bởi các khóa học này cung cấp cho trẻ những kiến thức, những trải nghiệm không có hoặc có rất ít, rất mờ nhạt trong trường học. Nhưng rõ ràng có một thực tế, việc nở rộ các dịch vụ dạng này cho thấy nhu cầu lớn hay sự lệ thuộc của một bộ phận phụ huynh vào các khóa học đó thay vì dành nhiều thời gian cho con.

PGS.TS tâm lý học Trịnh Hòa Bình cho rằng, chức năng mấu chốt của mỗi gia đình là sự quan tâm, tình cảm, sự chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình nhưng thực tế cho thấy, gia đình hiện đại Việt Nam đang có sự suy giảm đáng kể về những chức năng này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm đó, trong đó chủ yếu là do cha mẹ mải mưu sinh mà ít có thời gian, lơ là với con cái, đặc biệt về vấn đề tình cảm, chia sẻ, tâm sự.

Trẻ học kỹ năng sống: Đánh “trúng” và “đúng” tâm lý phụ huynh - Ảnh minh hoạ 3
 Học kỳ quân đội được các bậc phụ huynh kỳ vọng sẽ làm thay đổi tích cực với con trẻ. Ảnh:NT

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng chỉ cần lo cho con cái ăn học đầy đủ, không thiếu thốn gì, từ học chính khóa đến các lớp kỹ năng cứng, kỹ năng mềm là đã cung cấp đủ cho con nền tảng để bước vào đời mà phần nào lãng quên đi sự gắn kết, xem nhẹ tâm tư, tình cảm, những giai đoạn biến đổi cảm xúc theo lứa tuổi của con. Con cái ngày càng xa rời cha mẹ, ông bà, tự động tìm đến những sự sẻ chia, đồng cảm khác khiến cho mối quan hệ gia đình càng ngày càng trở nên lỏng lẻo.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình đã đặt câu hỏi: Đằng sau các khóa học, trại hè kỹ năng sống đó là nhu cầu thật sự của đứa trẻ hay là của phụ huynh? Chưa tính đến việc trẻ được học gì, học như thế nào từ các khóa kỹ năng sống này, nhưng việc một đứa trẻ bị chuyển từ khuôn viên tập thể trong trường học sang một khuôn viên tập thể khác trong một trại hè nào đó liệu có tốt hơn việc cha mẹ cùng con trải nghiệm cuộc sống thực tế bằng những chuyến đi?

Từ “câu hỏi đã là câu trả lời” đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định, bức tranh giáo dục trong phạm vi gia đình Việt Nam đang ngày càng trở nên nghèo nàn và xơ cứng.

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (khoa Tâm bệnh, Bệnh viện quận Thủ Đức), việc dạy kỹ năng sống cho trẻ cần phải bắt đầu ngay từ trong gia đình. “Cha mẹ phải là người thầy đầu tiên cho trẻ, điều quan trọng nhất là phải dạy trẻ biết giá trị của bản thân. Ngay từ nhỏ, đứa trẻ phải được xây dựng giá trị về lòng yêu thương, sự vị tha, lòng kiên nhẫn, sự tự hào, tính trách nhiệm về bản thân ngay từ chính gia đình mình. Cái đó quan trọng hơn việc dạy kỹ năng khi đứa trẻ đã lớn. Nếu đứa trẻ không xác định được giá trị bản thân thì học kỹ năng có tác dụng gì? Học kỹ năng chỉ là học cái ngọn, trong khi cần phải xây dựng nền tảng từ gốc”, bà Yến khẳng định.

Tác giả bài viết: Lê An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944