Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Triển khai Chương trình mới cho học sinh khuyết tật: Linh hoạt thực hiện

GD&TĐ - Sau khi thực hiện chuyển đổi nội dung sách giáo khoa lớp 1 sang chữ nổi cho HS khiếm thị, tách chương trình cho HS khiếm thính và khuyết tật khác, thầy - trò bắt đầu làm quen với bài học dựa trên năng lực tiếp thu mỗi trò.
Triển khai Chương trình mới cho học sinh khuyết tật: Linh hoạt thực hiện

Vừa dạy vừa điều chỉnh

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) chia sẻ: Trường hoàn thành chuyển đổi sang sách nổi với cuốn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Tự nhiên Xã hội (bộ sách Chân trời sáng tạo). Riêng cuốn Thể dục và Mĩ thuật, nhà trường không thực hiện do đặc thù của học sinh.

Cũng theo cô Vân, ngoài tập huấn theo khung của Bộ GD&ĐT về Chương trình mới, SGK lớp 1, trường chủ động mời tác giả viết sách để có hướng dẫn, trao đổi với các giáo viên. “SGK bản in là thế, nhưng khi chuyển tải thành chữ nổi, hình ảnh không hề dễ dàng, nên cần phải trao đổi kỹ cũng như có giải đáp từ phía tác giả viết sách”, cô Vân nói.

Được tập huấn, trao đổi trực tiếp với tác giả viết sách, nên khi có bộ sách nổi lớp 1, công việc giảng dạy của thầy cô Trường Nguyễn Đình Chiểu thuận lợi, dễ dàng hơn. “Tuy nhiên, vừa dạy các thầy cô vừa điều chỉnh để phù hợp hơn với học sinh. Nếu học sinh tiểu học bình thường, giáo viên sẽ dạy đồng loạt, một bài học cả lớp cùng học, hoàn thành, với học sinh khiếm thị, mỗi em một khả năng tiếp thu khác nhau, nên dạy học theo hướng cá thể. Cùng một lớp, nhưng có em viết được chữ “bà, ba, cá, cỏ”, em vẫn loay hoay làm quen chữ nổi (6 chấm) và đang tập viết”, cô Nguyễn Thị Đỏ giáo viên lớp 1 của trường chia sẻ.

Dù năng lực tiếp thu khác nhau nhưng các em học sinh khiếm thị lớp 1 ở Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đều hào hứng trong việc làm quen và học tập với SGK mới. Cô Đỏ phụ trách lớp có 9 học sinh khiếm thị cho biết: Sau 2 tuần làm quen với chữ nổi, cô, trò bắt đầu dạy học theo chương trình mới. Hiện học sinh học bài học gồm các âm a, b, c, o và dấu hỏi (?). Các em sẽ có hoạt động nghe - nói. Với sách giáo khoa bản in, học sinh bình thường nhìn vào sách  nói được ngay, biết tranh vẽ gì. Tuy nhiên, với học sinh khiếm thị, các thầy cô làm sách nổi có hình gia đình để các em sờ vào và trả lời. Cũng là hoạt động nghe – nói, các bé sờ vào hình phân biệt ba, bà, bé trai, bé gái, mẹ. Nhưng do khả năng tiếp nhận mỗi em khác nhau, nên lớp có khoảng 3 bạn cần GV hướng dẫn kỹ càng (mẹ tóc ngắn, bà có búi tóc cao…)  để khi sờ từng bức hình sẽ phân biệt được và trả lời cho cô và các bạn cùng biết.

Với môn Toán, theo cô Đỏ bài đầu về vị trí khá đơn giản, nhưng khi nghe đến khái niệm tách, gộp các con sẽ khó hơn một chút. Các con tách số 2 ra cho cô nào, có bạn biết gồm 1 gộp với 1, nhưng có bạn vẫn loay hoay. Khi đó giáo viên phải giảng dạy lại và hướng dẫn các em thực hành. 

Triển khai Chương trình mới cho học sinh khuyết tật: Linh hoạt thực hiện - Ảnh minh hoạ 2
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông  Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM giới thiệu về bản chữ nổi cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đã được tập thể giáo viên của trường hoàn thành. Ảnh: P.Nga

Trân trọng tiến bộ của trò

Cô Phạm Ngọc Minh, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) tâm sự: Với học sinh học hòa nhập, những ngày đầu, giáo viên tập trung rèn nền nếp. Các em vẫn tham gia học tập theo Chương trình SGK lớp 1 nhưng tùy vào trường hợp cụ thể để có kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp. Giáo viên sẽ không đặt ra yêu cầu cao như học sinh khác về rèn chữ, làm toán, thể dục, hát… Đơn cử như học âm “a”, âm “o”, các em vẫn rèn viết, đọc nhưng không thể viết đúng, đẹp như các bạn trong lớp. Phát âm cũng khó khăn hơn, nhưng giáo viên sẽ đánh giá qua sự tiến bộ của học sinh.

Thầy Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú  (TPHCM) chia sẻ: Học sinh học hòa nhập ở lớp 1 có hai cách triển khai. Trong thời gian đầu giảng dạy, giáo viên theo dõi, phát hiện và can thiệp sớm với những học sinh gặp khó khăn trong học tập. Khi đó, giáo viên trao đổi với phụ huynh học sinh, chuyên gia tâm lý, bác sĩ… để có những bài test và đưa ra cơ quan chuyên môn đánh giá có phải là học sinh gặp khiếm khuyết về vấn đề nào đó không. Khi có giấy chứng nhận, các em sẽ tham gia học hòa nhập với các bạn và được giáo viên lập kế hoạch dạy học cá nhân. Kế hoạch này căn cứ vào khả năng tiếp thu của học sinh… từ đó giáo viên tiếp tục giáo dục thiên về mặt kỹ năng hay kiến thức.

Ở trường hợp khác, các em vào học lớp 1 đã có giấy chứng nhận và theo học hòa nhập, giáo viên sẽ nghiên cứu kỹ hồ sơ sức khoẻ, khả năng tiếp thu để đưa ra kế hoạch cá nhân phù hợp dựa trên chương trình. Tuy nhiên, không đặt nặng về mặt thời gian phải hoàn thành chương trình hay kiến thức mà dạy học theo kế hoạch cá nhân, linh hoạt thực hiện. Ví dụ, với học sinh gặp khó khăn về vận động vẫn học kiến thức theo đúng tiến độ của các bạn cùng lớp, tham gia các bài kiểm tra theo quy định nhưng với môn GD Thể chất sẽ được giảm bớt. Các hoạt động tập thể, nhóm…  sẽ tùy vào khả năng mỗi em để giáo viên đưa ra quyết định tham gia ở mức độ nào. “Bài kiểm tra đánh giá của học sinh học hoà nhập sẽ dựa trên căn cứ kế hoạch dạy học cá nhân, năng lực của học sinh được giáo viên chủ nhiệm xây dựng từ đầu năm”, ông Khiêm cho hay.

Dù cùng bị khiếm thị, nhưng khả năng tiếp thu mỗi học sinh khác nhau. Mỗi em là một giáo án riêng để giáo viên điều chỉnh phù hợp. Các em có thể học tốt, hoàn thành chương trình lớp 1 sau 1 năm, nhưng cũng có em học lớp 1 mất 2 - 3 năm là chuyện bình thường. - Cô Nguyễn Thị Đỏ 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944