Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Trường Đại học Sư phạm Huế thu hút sinh viên nhờ chất lượng đào tạo

Trường Đại học Sư phạm Huế thu hút sinh viên nhờ chất lượng đào tạo
GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu “thành bại của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo”. Nhận thức được vai trò của trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế là 1 trong 7 trường sư phạm trọng điểm phải triển khai thực hiện đào tạo một số chương trình đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Chính vì vậy kỳ tuyển sinh năm 2019, Trường Đại học Sư phạm Huế đã được Đại học Huế, Bộ GD&ĐT cho phép mở 7 mã ngành mới. Đây được xem là những kỳ vọng mới của nhà trường trong mùa tuyển sinh 2019

Liên kết mật thiết với chương trình GDPT mới

Năm nay, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh 1915 chỉ tiêu của 22 ngành; bao gồm 7 ngành mới đó là: Giáo dục công dân, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Giáo dục pháp luật, Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Hệ thống thông tin. Các ngành này đều gắn bó mật thiết với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021.

Theo chương trình GDPT mới, một số môn được giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn như Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Nhưng trên thực tế, sinh viên đại học sau khi ra trường dạy các chuyên ngành gần như Sinh học, Hóa học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử cũng như sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm dạy các ngành Toán - Lý, Hóa - Sinh, Sinh - Địa… chỉ đảm nhận một phần tương ứng trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý hoặc chỉ dạy đơn ngành. Chính vì vậy, việc bổ sung đội ngũ dạy học theo hướng tích hợp liên môn ở trường Trung học cơ sở là rất cần thiết để đáp ứng với sự đổi mới của giáo dục hiện nay.

Chẳng hạn, môn Giáo dục Công dân (GDCD) có sự thay đổi rất nhiều về mặt nội dung và cấu trúc so với chương trình hiện hành. Cụ thể, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn GDCD được đưa vào giảng dạy ở cả 3 cấp học (môn Đạo đức ở tiểu học, môn GDCD ở trung học cơ sở, môn Giáo dục Pháp luật ở trung học phổ thông) với hai mục đích: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ở cấp THCS, bên cạnh góp phần thực hiện mục tiêu chung của cấp học, GDCD còn được xem là môn học có vị trí hàng đầu trong việc giáo dục nhân cách, phẩm chất của học sinh.

Trường Đại học Sư phạm Huế thu hút sinh viên nhờ chất lượng đào tạo - Ảnh minh hoạ 2
Đội tuyển Olympic Vật lý Trường Đại học sư phạm Huế luôn có thành tích cao mỗi khi tham dự Olympic sinh viên Vật lý toàn quốc 

Bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, môn GDCD đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào kì thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh một số ngành đại học. Trong thời gian tới, nhu cầu nguồn giáo viên dạy các môn học này ở phổ thông là rất lớn. Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội được tuyển dụng nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên cho tương lai. Vì vậy, việc tuyển sinh 2 mã ngành Giáo dục công dân và Giáo dục Pháp luật là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những phẩm chất và năng lực mà chương trình hướng đến là năng lực thẩm mĩ, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Do đó giáo viên Âm nhạc tại các trường phổ thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc nuôi dưỡng cảm xúc, thẩm mĩ âm nhạc cũng như nhận thức được mỗi liên hệ giữa âm nhạc với văn hóa, lịch sử xã hội,.. Từ đó định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và phát triển các năng lực chung của học sinh. Trong bối cảnh số lượng và chất lượng về nguồn nhân lực giáo viên dạy Âm nhạc được đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, việc mở mã ngành Sư phạm Âm nhạc trong kỳ tuyển sinh năm 2019 cũng nhận được nhiều sư quan tâm của các thí sinh.

Gắn với nhu cầu của xã hội

Trường Đại học Sư phạm Huế thu hút sinh viên nhờ chất lượng đào tạo - Ảnh minh hoạ 3
PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Huế trao bằng tốt nghiệp ĐH cho tân cử nhân khóa học 2015-2019 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, nguồn nhân lực Công nghệ thông tin được các trường đào tạo hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần của nhu cầu xã hội; và đến năm 2020, cả nước cần 1,2 triệu nhân lực cho ngành này. Không đứng ngoài xu thế đó, Trường Đại học Sư phạm Huế cũng có những thay đổi quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao này để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, ngành Hệ thống thông tin là một trong những ngành mới được nhà trường đặt nhiều kỳ vọng về tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhà trường xác định, chìa khóa dẫn đến thành công trong việc thu hút các bạn trẻ chọn Đại học sư phạm Huế để theo học, gắn bó nghề nghiệp đó là vì trường luôn chú trọng phát triển đội ngũ. Hiện tại, Trường có trên 96% giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên, trong đó có 53,13% giảng viên có trình độ Tiến sĩ; 21,48% giảng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư,... Chính đội ngũ này đã và đang phát huy năng lực chuyên môn góp phần cùng với nhà trường khẳng định thương hiệu Đại học Sư phạm Huế.

Trường Đại học Sư phạm Huế thu hút sinh viên nhờ chất lượng đào tạo - Ảnh minh hoạ 4
 Trường Đại học sư phạm Huế xem sinh viên là đối tượng trung tâm để nâng cao chất lượng đào tạo 

Đánh giá về chất lượng đào tạo sinh viên, PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Huế cho biết: Hiện nay nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục cho SV thông qua các dự án về giáo dục, kết nối doanh nghiệp, các hệ thống giáo dục trực tuyến và công tác tư vấn. Khảo sát năm học 2018 – 2019, tỷ lệ việc làm của SV tốt nghiệp Trường ĐHSP Huế trên 87%, trong đó có 60% có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Để tăng cơ hội việc làm cho SV. Nhà trường luôn đa dạng hóa chuẩn đầu ra, thay đổi chương trình đào tạo, vừa đáp ứng đổi mới chương trình sách giáo khoa sắp tới, vừa đáp ứng được yêu cầu xã hội đối với SV sau khi ra trường. Không những SV có thể giảng dạy tốt mà còn làm được những ngành nghề khác có liên quan. Trong những năm tới, Nhà trường sẽ đẩy mạnh và thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm để giúp SV có thể tìm được công việc tốt nhất cho mình ngay sau khi tốt nghiệp.

Đặc biệt nhà trường luôn tìm cách thay đổi để quảng bá hình ảnh của mình bằng các con đường như: tăng cường nỗ lực bên trong bằng cách xây dựng cảnh quan môi trường của nhà trường ngày càng sạch đẹp, thân thiện; triển khai các hoạt động dịch vụ SV phải chu đáo, tận tình, tăng cường cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp nhằm tránh phiền phức; xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường; ứng xử giữa cán bộ công nhân viên chức nhà trường với SV phải đúng mực, tránh gây bức xúc, dư luận trong SV. Bên cạnh đó nhà trường tiếp tục mở rộng các ngành cho SV đi thực tập ở nước ngoài. Hợp tác với các công ty giáo dục và các sở trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ SV tìm kiếm việc làm.

Trường Đại học Sư phạm Huế thu hút sinh viên nhờ chất lượng đào tạo - Ảnh minh hoạ 5
Trường Đại học sư phạm Huế luôn luôn đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục cho sinh viên 

Trong điều kiện cho phép có thể khảo sát năng lực của SV sau khi ra trường để từ đó điều chỉnh chương trình, bổ sung các năng lực cần thiết phục vụ cho người học. Chính vì lẽ đó sinh viên của trường nhiều năm qua đã gặt hái được rất nhiều thành công. Mới đây nhất từ ngày 17-20/4 năm 2019 tại Trường Đại học Thủy Lợi – Hà Nội, vượt qua 248 sinh viên của 42 đội dự thi trong đó có nhiều trường nổi tiếng đến từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội… đội tuyển Olympic Vật lý Trường Đại học sư phạm Huế xuất sắc đạt 2 Giải Nhất và 4 Giải Ba Cuộc thi Olympic sinh viên Vật lý toàn quốc.

Đặc biệt tại kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên - Học sinh toàn quốc lần thứ 27 được tổ chức từ ngày 1- 6/4/2019 tại Trường Đại học Nha Trang do Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức, vượt qua 800 sinh viên, học sinh đến từ 96 trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông toàn quốc. Đội tuyển Olympic Toán học sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế gồm 7 sinh viên, dự thi hai môn Đại số và Giải tích kết quả đạt 7 giải, trong đó có 1 giải Nhất môn Giải tích, 1 giải Nhì môn Đại số và 5 giải Ba (2 Giải tích và 3 Đại số).

Riêng Sinh viên Nguyễn Xuân Quý xuất sắc đạt hai giải, Nhất Giải tích và Nhì Đại số. Ngoài ra Xuân Quý là sinh viên có điểm thi môn Giải tích cao thứ hai toàn quốc (27,5 điểm) trong số 325 sinh viên dự thi môn này. Xuân Quý cũng là gương mặt sinh viên tiêu biểu của Khoa Toán học nhiều năm liền đạt giải cao tại sân chơi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944