Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Trường học vùng biên: Giáo viên “xung trận” chống dịch

GD&TĐ - Dịch Covid-19 tại Campuchia diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, các trường học vùng biên giới Tây Nam đang tập trung cao điểm chống dịch.
Trường học vùng biên: Giáo viên “xung trận” chống dịch

Tham gia lực lượng chống dịch tại biên giới

Campuchia đã dỡ bỏ lệnh phong toả cấm người dân đi lại giữa các tỉnh, dự đoán nhiều người Việt sẽ di chuyển về nước. Trước tình trạng này, các tỉnh có đường biên giới  khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, trong đó có trường học.

Huyện An Phú, nơi có học sinh Việt kiều Campuchia đông nhất tỉnh An Giang, trường học đang tập trung cho các em ôn, thi kết thúc học kỳ II để bảo đảm chương trình. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh và gia đình phòng chống dịch, nhiều giáo viên còn xung phong cùng lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại biên giới.

Một trong những người tham gia nhiệt tình là thầy Nguyễn Văn Cấn, giáo viên Trường THCS Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang). Thầy Cấn tích cực cùng lực lượng tuần tra ngăn chặn dịch bệnh từ biên giới. Theo thầy Cấn, không chỉ mình thầy mà có hơn 20 giáo viên tình nguyện tham gia chống dịch. Hết giờ lên lớp, bất kể trời nắng hay mưa, các giáo viên trên địa bàn xã túc trực tại trụ sở ấp để phối hợp với  lực lượng tuyên truyền, tuần tra, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

“Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng ủy, UBND xã, Ban giám hiệu trường vận động “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài trong phong trào chống dịch”. Cùng với địa phương, tất cả cán bộ, giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh. Tôi góp sức cùng lực lượng chức năng phòng chống dịch tại các điểm nóng, giữ gìn sự an toàn cho người dân, đặc biệt là học sinht trên địa bàn”, thầy Cấn cho biết.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông được giao quản lý gần 6km đường biên giới. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các chiến sĩ luôn túc trực 24/24 giờ. Cùng với đó có sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng Công an, dân quân tự vệ và giáo viên trên địa bàn. Đối với lực lượng giáo viên hỗ trợ, mỗi người trong tuần tham gia từ 1 - 2 ngày, giáo viên sẽ luân phiên với nhau. Ca trực bắt đầu từ 19 giờ - 0 giờ. Mỗi đợt có 2 giáo viên phối hợp với các lực lượng địa phương.

Trường học vùng biên: Giáo viên “xung trận” chống dịch - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên Trường THCS Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) cùng lực lượng biên phòng tuần tra dọc tuyến biên giới.

Nắm sát tình hình HS Việt kiều

Theo các thầy cô giáo, học sinh Việt kiều Campuchia luôn có nguy cơ cao vì có cha mẹ, người thân sinh sống ở Campuchia. Nếu không có ý thức, việc xuất, nhập cảnh trái phép có thể diễn ra, kèm theo nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Tỉnh An Giang có hơn 1 nghìn học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học, công tác phòng chống dịch hết sức khẩn trương. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch trong trường học, mỗi trường còn quan tâm, động viên học sinh Việt kiều yên tâm học tập. Không tham gia vào việc xuất, nhập cảnh trái phép và vận động gia đình các em không để tình trạng phụ huynh từ Campuchia về thăm trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Trường Tiểu học A Long Bình, huyện An Phú có gần 100 học sinh Việt kiều Campuchia theo học. Theo lãnh đạo nhà trường, bên cạnh việc chăm lo, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần, mỗi giáo viên nắm sát tình hình học sinh. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở trường học thực hiện tiêu độc, khử trùng nhằm bảo đảm sức khỏe cho các em học sinh, tạo sự an tâm của phụ huynh.

Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng có 140 học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học. Các em theo học tại 14 trường thuộc 3 xã khu vực vành đai biên giới. Đa số HS có cha mẹ làm ăn, sinh sống ở Campuchia. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, biên giới bị phong tỏa, cha mẹ các em kẹt lại Campuchia.

“Để động viên các em, những ngày lễ, tết nhà trường, phòng GD&ĐT, các mạnh thường quân hỗ trợ quà, tiền mặt để các em vui và yên tâm học tập. Đồng thời phân công giáo viên nắm tình hình, không để học sinh tham gia xuất nhập cảnh trái phép. Không để các em về nước hoặc đón người thân từ Campuchia về. Đối với phụ huynh, nhà trường gọi điện thoại động viên yên tâm cho con ở lại Việt Nam học tập…”, ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự cho biết.

Tại TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), các trường học giáp biên với Campuchia cũng khẩn trương phòng chống dịch. Theo ông Trần Dũng Trí Nhân, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố, số học sinh Việt kiều không nhiều nhưng các trường luôn nắm tình hình sát sao. Kịp thời động viên, hỗ trợ và kết nối thường xuyên với gia đình học sinh để thực hiện tốt công tác phòng dịch. Đến nay, việc phòng chống dịch trong nhà trường vùng biên giới được thực hiện nghiêm. Một số học sinh Việt kiều ở với ông bà đi học từ lớp 1, từ khi có dịch bệnh đến giờ không qua lại biên giới…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944