Báo cáo khoa học và công bố quốc tế: Yếu tố làm nên thương hiệu

Thứ tư - 06/06/2018 22:45 598 0
GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao luôn được các trường đại học (ĐH) coi là một trong những chức năng chính. Các đề tài nghiên cứu, báo cáo khoa học và công bố quốc tế là minh chứng về năng lực của đội ngũ giảng viên mỗi trường, khẳng định vị thế của mình trong quá trình hội nhập, tham gia giải quyết vấn đề nóng của xã hội. Báo cáo kinh tế thường niên (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) đã góp phần làm nên thương hiệu của nhà trường.
Báo cáo khoa học và công bố quốc tế: Yếu tố làm nên thương hiệu

Tìm lối đi riêng

Báo cáo kinh tế thường niên do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện trải qua hành trình 10 năm. Mỗi năm, nhóm nghiên cứu chọn chủ đề khác nhau để thu thập, phân tích và đưa ra khuyến cáo đối với nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và giới kinh doanh.

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, cho biết: Thực tế cho thấy, các trường đẳng cấp quốc tế là những trường mạnh về nghiên cứu khoa học, về công bố quốc tế và đóng góp vào quá trình phân tích, xây dựng chính sách trên cơ sở các công trình khoa học. Nhận thức được vai trò quan trọng của việc giảng dạy gắn liền với nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác nghiên cứu khoa học và coi đây là mục tiêu chiến lược của nhà trường.

Với sự nỗ lực, quyết tâm, những năm qua, trường đã triển khai 2 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp Bộ và cấp ĐH Quốc gia. Số bài báo đăng trên tạp chí uy tín tăng lên hàng năm, thuộc nhóm cao nhất trong khối kinh tế và kinh doanh. Trường đã và đang hình thành phát triển 12 nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐH Quốc gia.

Trong số đó, nhóm nghiên cứu mạnh về lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam tập hợp đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách chủ trì. Các nhà khoa học, kinh tế đã theo đuổi chương trình này trong 10 năm, liên tục cho ra đời các sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Một trong những sản phẩm chính của chương trình là chuỗi Báo cáo kinh tế thường niên hàng năm, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2009, xuất bản đều đặn hàng năm trong suốt gần một thập niên qua.

Theo TS Đinh Quang Ty (Hội đồng Lý luận Trung ương), hàng năm có nhiều báo cáo thường niên về kinh tế do các trường đại học, viện nghiên cứu hay tổ chức trong và ngoài nước công bố. Tuy nhiên, đây là ấn phẩm có chất lượng, giữ được thương hiệu và luôn có sức hấp dẫn riêng.

Điểm đặc biệt của báo cáo này là cách tiếp cận, những phát hiện mang tính độc lập, những đề xuất liên quan đến chính sách hợp với bối cảnh. “Tôi đánh giá cao giá trị ứng dụng của báo cáo bởi con số, khuyến nghị đưa ra. Chúng tôi được thụ hưởng kết quả nghiên cứu qua 10 lần báo cáo, có thể khai thác những chi tiết quan trọng để giúp cho Trung ương có cái nhìn mới về cách thức giải quyết những vướng mắc lớn trong câu chuyện năng suất lao động ở Việt Nam và xa hơn là những chính sách phù hợp để vận hành nền kinh tế” - TS Đinh Quang Ty nhận định.

Chiến lược dài hạn cho các vấn đề nóng của đất nước

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã lấy lại đà tăng trưởng rõ nét, đi liền với kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tăng mạnh mẽ. Vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp cũng tăng trưởng vững chắc. Xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh đều tăng nhiều bậc. Điều này cho thấy, chúng ta đang quay trở lại với thế lực mới trên con đường phát triển của đất nước.

Theo PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, đó là những điều kiện rất thuận lợi, tuy nhiên các nhà kinh tế luôn mong muốn nhìn vào vấn đề dài hạn hơn. Nhìn vào thị trường lao động trong nước sẽ thấy vẫn còn thách thức trên con đường phát triển, đặc biệt yếu tố cốt lõi của tăng trưởng dài hạn là năng suất lao động. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, năng suất của nền kinh tế Việt Nam còn thua xa các nước trong khu vực.

Điều này khiến các nhà kinh tế, nghiên cứu cũng như nhà hoạch định chính sách băn khoăn đặt câu hỏi vì sao một đất nước có tài nguyên phong phú, thiên nhiên thuận lợi, con người thông minh cần cù lại có năng suất lao động thấp như vậy. Cho dù có nhiều nghiên cứu, các cuộc thảo luận nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc trên.

Trước “điểm yếu” của nền kinh tế nước nhà, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã lựa chọn hướng tiếp cận từ năng suất lao động. Ngay từ tiêu đề, người đọc đã phần nào hiểu được năng suất lao động có thể chịu tác động của nhiều yếu tố trên thị trường lao động. Đó là tính hữu hiệu của tiền lương, hiệu quả của thị trường, kỹ năng tích lũy của người lao động.

Những yếu tố này có sự liên quan mật thiết đến năng suất cá nhân trong nền kinh tế, xa hơn là sự phát triển của nền kinh tế mỗi nước. Dựa trên số liệu, các nhà khoa học, kinh tế đưa ra khuyến cáo đối với người lao động, người sử dụng lao động và cả nhà hoạch định chính sách về việc làm thế nào để phát triển kinh tế thông qua tăng năng suất lao động.

Từ kết quả nghiên cứu trên, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận xét: Ở Việt Nam, trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy, năng suất lao động thấp thể hiện ở tất cả các ngành, các khu vực khác nhau cũng như các thành phần kinh tế chứ không riêng gì ở khu vực kinh tế tư nhân.

Vấn đề chính dẫn đến năng suất lao động thấp ở nước ta là nguồn lực lao động đang đổ dồn vào lĩnh vực có năng suất không cao như bất động sản, tài chính ngân hàng hay xây dựng. Những lĩnh vực này hiện được đầu tư nhiều tiền nhiều của, nếu nhìn vào khu bất động sản ai cũng thấy hiện đại nhưng chỉ các nhà kinh tế mới biết năng suất lao động lại tỷ lệ nghịch với sự đầu tư, sự kỳ vọng.

Nói vậy để thấy rằng vấn đề con người là quan trọng nhất với các nền kinh tế. Ở nước ta vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại nhưng khi đưa vào sử dụng, người lao động không sử dụng được hoặc sử dụng không tốt nên mang lại hiệu quả không cao. Hoặc người điều hành, quản trị cũng không biết làm thế nào để phát huy hết lợi thế của máy móc, người lao động.

Hơn nữa, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, đơn vị sử dụng nhiều lao động nhưng đang phải chịu gánh nặng về hạ tầng, thuế, phí cao kéo giá thành lên trong khi năng suất lao động không tăng. Tiếp đến là áp lực trong việc tuân thủ chính sách, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng… khiến lợi nhuận co hẹp lại. Trong bối cảnh như vậy, chủ doanh nghiệp muốn tái đầu tư cũng khó.

Tác giả báo cáo, PGS. TS Nguyễn Đức Thành lại nhấn mạnh đến vai trò của lao động trẻ đối với sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, lao động trẻ hiện nay chưa chủ động tích lũy kinh nghiệm cho công việc trong tương lai.

Mặt khác, thị trường lao động nước ta cũng vận hành theo hướng xin việc dựa trên quan hệ, nhờ vả là chính, thay vì phỏng vấn trực tiếp nên năng lực chuyên môn người lao động không phải là vấn đề cốt yếu, hoạt động của các trung tâm tư vấn việc làm gần như không có. PGS. TS Nguyễn Đức Thành kỳ vọng, các nghiên cứu trong báo cáo sẽ cung cấp cái nhìn đa chiều để hoàn thiện thị trường lao động, tiến tới việc dịch chuyển lao động tốt hơn.

Gom các mảnh ghép tạo nên thương hiệu

ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị nghiên cứu và đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học sự sống, kinh tế, khoa học xã hội nhân văn. PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Hàng năm chúng tôi có nhiều công bố kết quả nghiên cứu khoa học khác nhau. Công bố Báo cáo kinh tế thường niên là một mảnh ghép trong số đó”.

Theo PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, ĐH Quốc gia luôn quan tâm, cổ vũ với nhóm các nhà khoa học luôn đặt ra những mục tiêu lớn, có những mối quan tâm thiết thực đến vấn đề nóng của quốc gia và không ngần ngại lăn xả vào để giải quyết. “Chất lượng khoa học do các nhà phản biện đánh giá, riêng với trường ĐH Quốc gia đánh giá cao tinh thần, ý chí, nguyện vọng, nhiệt huyết của các nhà khoa học.

Với nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách đã đóng góp vào việc khẳng định thương hiệu của Trường ĐH Kinh tế nói riêng và ĐH Quốc gia nói chung, rộng hơn nữa là đóng góp ý kiến vào các vấn đề của quốc gia, đất nước” - PGS. TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, báo cáo thường niên năm nay chú ý đến thị trường lao động, vấn đề năng suất lao động. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội. Đặc biệt với môi trường giáo dục đại học thì đây là vấn đề của cả ngành.

Cách tiếp cận, phân tích và đưa ra khuyến nghị của nhóm nghiên cứu là nguồn tài liệu phong phú, giúp cho các bài giảng, khóa huấn luyện phong phú, thực tế hơn. Từ số liệu trên, nhà trường và giảng viên có cách tiếp cận, định hướng cho sinh viên phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Với sinh viên, bản báo cáo này trở thành cẩm nang, qua đó chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình.

Còn theo TS Đinh Quang Ty, đánh giá của các nhà phản biện, kinh tế trong và ngoài nước cho thấy, báo cáo này đang tiệm cận dần với ấn phẩm trên thế giới. Tuy nhiên, để giữ uy tín, thương hiệu, đưa ấn phẩm trở thành “kinh thánh” với giới kinh doanh, nhà hoạch định chính sách cần nhiều hậu thuẫn hơn nữa. Đó là hỗ trợ về phương diện tài chính, tổ chức, điều kiện làm việc.

Bên cạnh đó là sự năng động trong việc tập hợp được chất xám, những nhà nghiên cứu trẻ có năng lực và tâm huyết thông qua kết nối với các tổ chức quốc tế, các quốc gia để nhận được sự hỗ trợ không chỉ là kinh phí, mà còn là tư liệu hay những trao đổi mang tính học thuật.

Để công tác nghiên cứu, báo cáo khoa học có thêm “sức nặng”, TS Đinh Quang Ty cho rằng đã đến lúc chúng ta cần hướng tới chuẩn mực chung của thế giới. “Những gì chúng ta đã làm được phải làm tốt hơn. Những gì chưa có, thiếu hụt so với mặt bằng chung về lĩnh vực thống kê cần nỗ lực bổ sung để công việc nghiên cứu, hoạch định chính sách có chỗ dựa đáng tin cậy về số liệu của đơn vị trong nước thay vì sử dụng số liệu tổng hợp từ tổ chức nước ngoài như hiện nay” - TS Đinh Quang Ty trao đổi.

Các nhóm nghiên cứu một phần đã có sự đầu tư từ Trường ĐH Quốc gia, một phần từ nhà tài trợ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy sự đầu tư đó so với những gì các nhà nghiên cứu khoa học, kinh tế đạt được chưa tương xứng. Do vậy, không có lý do gì để không tăng cường đầu tư cho các nhóm nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau để mỗi năm chúng ta có được các nghiên cứu, báo cáo tốt hơn nữa, góp phần giải quyết được vấn đề nóng của đời sống xã hội.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

Tác giả bài viết: Hoài Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1289 | lượt tải:289

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 980 | lượt tải:264

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2291 | lượt tải:355

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2849 | lượt tải:465

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2165 | lượt tải:314
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm92
  • Hôm nay24,499
  • Tháng hiện tại557,140
  • Tổng lượt truy cập48,882,823
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944