Cấp thiết phải đổi mới quản trị đại học

Thứ bảy - 08/09/2018 03:32 495 0
GD&TĐ - Tự chủ ĐH được xem là chủ trương lớn có nhiều triển vọng nhằm giúp đổi mới quản trị ĐH theo hướng năng động và hiệu quả theo xu thế của thế giới. Cùng với việc các cơ sở GD ĐH thành viên được trao nhiều quyền tự chủ sẽ kéo theo sự suy giảm vai trò của ĐH vùng nếu không có sự thay đổi trong phương thức quản trị.
Cấp thiết phải đổi mới quản trị đại học

Xây dựng lộ trình tự chủ cho các cơ sở GD thành viên

Mô hình ĐH vùng với cơ chế có nhiều lợi thế như tối ưu hóa trong sử dụng và huy động nguồn lực giúp tập trung chuyên môn hóa, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư được các công trình lớn mà sự đầu tư nhỏ giọt của các trường riêng lẻ khó có thể thực hiện được. Hiện nay, cả nước có 3 ĐH vùng gồm ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng. Những ĐH này đều đã xây dựng lộ trình tự chủ cho các cơ sở GD ĐH thành viên theo những cấp độ phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế, xác định tự chủ là một xu hướng tất yếu của các trường ĐH. Trong thời gian vừa qua, ĐH Huế đã có nhiều chủ trương, định hướng xây dựng lộ trình và chuẩn bị các điều kiện thực hiện tự chủ ĐH cho các trường ĐH thành viên, đơn vị trực thuộc.

Đã thực hiện phân cấp quản lý mạnh và phù hợp trên các mặt công tác tạo điều kiện tối ưu để các đơn vị xây dựng và thực hiện lộ trình tự chủ ĐH. Theo đó, trong giai đoạn 2018 – 2019, sẽ có 3 trường ĐH thành viên là Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Kinh tế thực hiện tự chủ ĐH, các viện nghiên cứu, trung tâm, nhà xuất bản thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn; giai đoạn 2019 – 2020 có 2 trường ĐH thành viên thực hiện tự chủ ĐH là Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Ngoại ngữ; các trường còn lại thực hiện tự chủ trong giai đoạn tiếp theo theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước.

Cơ sở để Chính phủ giao quyền tự chủ luôn xem xét đến khả năng đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chứ không chỉ đơn thuần là nguồn thu từ học phí. Đây cũng chính là kinh nghiệm tự chủ của các trường ĐH trên thế giới. Do vậy, khi chuyển sang tự chủ ĐH, trường luôn xem hợp tác quốc tế và NCKH là một hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính của mình. Nhà trường đã chuẩn bị vấn đề này trong nhiều năm qua thông qua triển khai các dự án quốc tế và các đề tài khoa học trong nước. Nhà trường cũng đã tuyển những nghiên cứu viên để thực hiện các hoạt động nghiên cứu song hành với hoạt động giảng dạy.

 
PGS.TS Trần Đình Khôi

Trước khi Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai tự chủ, ĐH Đà Nẵng đã triển khai tự chủ theo cấp độ tự chủ giữa ĐH Đà Nẵng với CSGDĐH thành viên theo hướng phân cấp cho các CSGDĐH thành viên trong tổ chức cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Sau Trường ĐH Kinh tế, theo lộ trình, năm 2018 này, Trường ĐH Bách khoa và ĐH Ngoại ngữ cũng sẽ tiến hành tự chủ ĐH, các cơ sở GD ĐH còn lại của ĐH Đà Nẵng sẽ thực hiện tự chủ trong năm 2020.

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ về lộ trình để thực hiện tự chủ ĐH của nhà trường: “Chủ trương của Chính phủ khi giao quyền tự chủ là cũng đòi hỏi các cơ sở GD ĐH phải chủ động liên kết với bên ngoài để chuyển giao các kiến thức khoa học vào đời sống thực tiễn".

Nâng tầm ĐH vùng

Theo phân tích của GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, với việc trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các CSGDĐH thành viên, “cơ quan ĐH vùng trở thành cấp trung gian chuyển giao thông tin lên Bộ chủ quản; vai trò điều hành chiến lược và điều phối hoạt động của ĐH vùng bị giảm sút, tạo nguy cơ làm giảm hiệu quả theo quy mô.

Các quy định liên quan đến mối quan hệ giữa ĐH vùng với các đơn vị thành viên, quan hệ giữa ĐH vùng và Bộ GD&ĐT gây khó khăn trong việc khó huy động và tập trung các nguồn dài hạn vào những mục tiêu phát triển chung mang tính chiến lược của cả ĐH vùng”. Trong bối cảnh đó, để ĐH vùng không chỉ là cấp quản lý trung gian thừa thãi trong thời kỳ tự chủ ĐH, buộc mô hình ĐH vùng phải có những thay đổi nhất định và cũng phải thực hiện tự chủ ĐH.

Hiện nay, trong số các trường ĐH đang triển khai tự chủ, chỉ có Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng là trường ĐH nằm trong ĐH. Theo nguyên tắc của cơ chế tự chủ thì bản thân trường có quyền mạnh hơn cả ĐH Đà Nẵng trong khi trên thực tế vẫn bị ràng buộc bởi là một cơ sở GD ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng. Chính vì vậy, theo GS.TS Trần Văn Nam: “ĐH vùng cần được tự chủ cao hơn để thực hiện vai trò điều phối, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực sử dụng chung. Tự chủ trường ĐH sẽ là điều kiện cần thiết để thực hiện phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập”.

Theo Thông báo số 38/TB-VPCP ngày 24/1/2018 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với ĐH Huế, các ĐH vùng gồm ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng sẽ được mở rộng cơ chế hoạt động, tăng tính chủ động trong điều hành quản lý các hoạt động thực hiện lộ trình tự chủ ĐH, được áp dụng cơ chế tương tự như hai ĐH Quốc gia. Thông báo này đã mở ra một thời kỳ phát triển mới đối với các ĐH vùng, đồng thời đòi hỏi cần phải có những biến chuyển cần thiết trong cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức cũng như cách thức quản lý, đảm bảo được sự phát triển của từng thành viên vừa tạo sự thống nhất trong hệ thống.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập459
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm457
  • Hôm nay66,732
  • Tháng hiện tại976,324
  • Tổng lượt truy cập49,302,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944