Chuyên gia UNICEF khuyến nghị về mở cửa trường học an toàn

Thứ sáu - 28/01/2022 02:49 316 0
GD&TĐ - Theo bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam, khi trẻ em trở lại trường học, các nhà trường nên tập trung vào việc học tập cảm xúc xã hội, củng cố chương trình và tăng thời gian giảng dạy.
Chuyên gia UNICEF khuyến nghị về mở cửa trường học an toàn

Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục, UNICEF Viet Nam, đã có những chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại về các biện pháp khắc phục hậu quả do học trực tuyến kéo dài và khuyến nghị mở cửa trường học an toàn.

Cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất

- Đại dịch Covid-19 đã có những tác động gì đến việc học của trẻ, thưa bà?

- Đại dịch Covid-19 dẫn đến gián đoạn học tập trên toàn cầu, tạo thành một cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử. Đại dịch và việc đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần và tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình và lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh. Điều rõ ràng và nhức nhối là trẻ em đã học được ít hơn trong đại dịch. Sự tổn thất trong học tập này có thể khiến cả một thế hệ học sinh trên toàn cầu mất đi 17 nghìn tỷ USD thu nhập trong cả cuộc đời.

Kết quả từ các nghiên cứu toàn cầu về ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học đối với việc học cho thấy những thụt lùi  đáng kể trong việc học toán và học đọc. Mặc dù những nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và các gia đình đã cố gắng hết mức thì cũng chỉ có trung bình khoảng 43% học sinh tiếp tục học tập. Thiệt hại học tập ước tính đã ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ nhỏ, sinh viên nghèo, sinh viên dân tộc và nữ sinh.

Chuyên gia UNICEF khuyến nghị về mở cửa trường học an toàn - Ảnh minh hoạ 2
Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam.

- Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng ra sao khi các em phải học trực tuyến kéo dài?

- Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng việc đóng cửa trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý xã hội của tất cả học sinh; gây ra ngày càng nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần; làm tăng nguy cơ bạo lực, tảo hôn và lao động trẻ em cho những trẻ em bị thiệt thòi nhất. Với việc đóng cửa trường học, phong tỏa và hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch, trẻ em đã trải qua những tháng ngày không thể xóa nhòa của cuộc đời mình khi phải cách xa thầy cô, bạn bè, không được tới lớp, không được vui chơi - những yếu tố quan trọng của thời thơ ấu.

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, trên toàn cầu, ít nhất 1 trong 7 trẻ em đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp phong tỏa, và hơn 1,6 tỷ trẻ em đã bị thiệt hại về giáo dục. Bị mất đi công việc thường ngày, gián đoạn học tập và giải trí, cùng với những mối lo về thu nhập và sức khỏe gia đình đã khiến nhiều trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy sợ hãi, tức giận và lo lắng cho tương lai của mình.

Đảm bảo trẻ em được đến trường

- Khi trường học mở cửa, UNICEF có kế hoạch gì để hỗ trợ khắc phục hậu quả do học trực tuyến kéo dài?

- Những tổn thất học tập do đóng cửa trường học vì Covid-19 là rất rõ ràng. Ngay cả khi học sinh học trực tuyến, các số liệu hiện cho thấy trẻ em học ít hơn trong đại dịch và các tác động của việc đóng cửa trường học làm gia tăng sự bất bình đẳng. Để hạn chế tác động lâu dài của những tổn thất này, Việt Nam cần tập trung vào việc giải quyết những tổn thất đó.

UNICEF sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kế hoạch phục hồi học tập. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đảm bảo trẻ em và thanh thiếu niên được đến trường và đạt được năng lực học tập tối thiểu bằng với các thế hệ trước, khi đại dịch chưa xảy ra. Có những công cụ giúp đạt được điều này, bao gồm củng cố chương trình giảng dạy, tăng thời gian giảng dạy và thực hiện các thay đổi dựa trên bằng chứng trong sư phạm.

Chuyên gia UNICEF khuyến nghị về mở cửa trường học an toàn - Ảnh minh hoạ 3
Một giờ học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Đồng Bục, tỉnh Lạng Sơn.

- UNICEF và UNESCO khuyến cáo: “Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”. Vậy bà đề xuất gì để trẻ em được học tập trực tiếp an toàn?

- Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khi đi học trở lại là những gì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện. Đó là tiếp tục thực hiện 5K và đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho người lớn liên quan đến trẻ em. Kinh nghiệm toàn cầu cũng cho thấy các biện pháp giảm thiểu tác động trong trường học có hiệu quả và có thể giúp các trường học tiếp tục mở cửa cho học sinh học trực tiếp.

Những rủi ro khi trẻ em không được đi học vẫn lớn hơn những rủi ro khi các em được đến trường. UNICEF đã hỗ trợ xây dựng Khung hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc mở cửa lại trường học nhằm đưa ra những khuyến nghị thiết thực và linh hoạt giúp nhà trường đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp.

- Theo bà, nhà trường có thể làm gì để hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh khi đi học trở lại?

- Khi trẻ em trở lại trường học, chúng ta cần nhớ rằng học sinh đã không được đến trường trong nhiều tháng. Nhiều em có thể đã bị giảm các kỹ năng xã hội. Vì vậy trong những ngày đầu tiên trở lại trường, các em sẽ phải làm quen lại với việc học tập trên lớp.

UNICEF khuyến cáo nhà trường nên dành nhiều thời gian cho học sinh thực hiện các tương tác xã hội và tiếp tục tập trung vào việc học tập cảm xúc xã hội. Hơn nữa, trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam đã thể hiện sự lo lắng về lỗ hổng trong kiến thức và tác động của việc đóng cửa trường học đến kết quả học tập của mình.

UNICEF thật sự quan ngại về những tác động của áp lực phải học giỏi đối với sức khỏe tâm lý xã hội của học sinh. Chúng ta cần tiếp tục chú ý đến áp lực mà học sinh đang phải chịu. Do đó, UNICEF kiến nghị nhà trường sắp xếp lại lịch học và có thể cân nhắc bỏ đi một số bài kiểm tra và hoãn lại một số chương trình khi mở lại trường học.

- Xin cảm ơn bà !

Các biện pháp hiệu quả để giữ an toàn cho học sinh và cán bộ nhân viên trong trường bao gồm: đảm bảo thông gió đầy đủ và phù hợp; có thiết bị rửa tay và dung dịch sát khuẩn tay; làm sạch bề mặt và các đồ vật dùng chung; giữ học sinh và giáo viên theo nhóm lớp, cùng học tập, nghỉ ngơi, sử dụng nhà vệ sinh, ăn trưa, tan học; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Tác giả bài viết: Tú Anh (TH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1320 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2321 | lượt tải:364

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2195 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập394
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay28,712
  • Tháng hiện tại879,058
  • Tổng lượt truy cập49,204,741
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944