Dạy học thích ứng với mô hình "bong bóng trường học"

Thứ sáu - 26/11/2021 03:15 343 0
GD&TĐ - Mô hình bong bóng trường học được các đơn vị giáo dục tại Nghệ An triển khai khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại. Qua đó, bảo đảm an toàn phòng dịch, hạn chế lây nhiễm chéo trong nhà trường.
Dạy học thích ứng với mô hình "bong bóng trường học"

Tình huống xuất hiện F0 là học sinh, giáo viên, sẽ thực hiện khoanh vùng, dạy học thích ứng theo mức độ dịch bệnh.

Mô hình mới

Tại Trường THCS Quán Bàu, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt 5K, các lớp tiếp tục đo thân nhiệt, ghi thông tin và lịch trình di chuyển của từng bạn. Đây là dữ liệu để giáo viên, nhà trường quản lý học sinh và có biện pháp xử lý kịp thời nếu tình huống bất thường xảy ra. Ngoài ra, để giãn cách, giữa các lớp học được chăng dây, mục đích phân luồng học sinh. Qua đó hạn chế tiếp xúc giữa lớp này với lớp khác, thực hiện “mô hình bong bóng” trường học.

Thầy Nguyễn Đức Cảnh – Hiệu trưởng Trường THCS Quán Bàu (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: Đây là thời gian quan trọng để nhà trường ổn định lại việc tổ chức dạy và học, đặc biệt với học sinh cuối cấp. Chúng tôi ưu tiên dạy kiến thức vận dụng, vận dụng cao và các tiết thực hành, thí nghiệm... mà trong thời gian dạy học trực tuyến chưa triển khai được. Bên cạnh đó, tập trung ôn luyện Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trong thời gian này, các hình thức dạy học khác như trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến vẫn triển khai để chủ động chuyển đổi linh hoạt tùy tình hình thực tiễn.

Các trường phổ thông của thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cũng ổn định dạy học trực tiếp gần 1 tháng, sau ổ dịch tại phường Nghi Hải được khống chế. Tất cả 15 học sinh và 1 giáo viên là F0 trước đó đều khỏe mạnh, đến trường bình thường.

Thời gian quan, Trường Tiểu học Nghi Thu (thị xã Cửa Lò) duy trì việc phân luồng ngay từ ngoài cổng. Học sinh được chia theo từng lối đi riêng vào lớp mình, hạn chế tiếp xúc giữa phụ huynh với phụ huynh; giữa giáo viên và học sinh các lớp với nhau. Cô Nguyễn Thị Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Thu chia sẻ: “Tổ chức dạy học trực tiếp thời điểm này cần đi kèm nhiều biện pháp phòng dịch. Vì vậy, giáo viên, phụ huynh, học sinh phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây là cơ hội để chúng tôi tập trung dạy học, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”.

Để trường học an toàn, thị xã Cửa Lò đã xây dựng một phương án chi tiết, thực hiện triệt để “mô hình bong bóng”. Ông Phùng Đức Nhân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho hay: “Mô hình bong bóng” được áp dụng ở nhiều trường học ở nước ngoài. Có thể hiểu đơn giản là học sinh duy trì tất cả hoạt động theo nhóm lớp từ nhà đến trường và từ trường đến nhà.

Các hoạt động sau giờ học sẽ được duy trì tại chỗ. Thời gian chuyển tiếp, GV cũng hạn chế lên văn phòng để tránh tiếp xúc… Phụ huynh không vào trường khi đưa đón con. Nhà trường không tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp tập trung đông học sinh. Cách phòng dịch này sẽ hạn chế phần nào nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu 1 lớp xảy ra tình huống bất thường, sẽ không ảnh hưởng đến lớp khác.

Dạy học thích ứng với mô hình
Học sinh được phân luồng vào Trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Dạy học thích ứng khi trường học có F0

Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vừa phát hiện 3 ổ dịch và ghi nhận số ca dương tính trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay với 42 bệnh nhân. Trong đó 2 ổ dịch liên quan đến trường học tại Trường THCS Nghĩa Đồng và Trường THPT Lê Lợi có 35 học sinh là F0. Ngay lập tức, các trường học trên địa bàn chuyển sang dạy học trực tuyến.

Ông Phạm Tân Phương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho biết: “Việc chuyển đổi hình thức dạy học này không bất ngờ với giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Bởi các kịch bản, phương án dạy học chia theo từng cấp độ ảnh hưởng dịch bệnh đã được chuẩn bị. Thời gian qua, dù dạy học trực tiếp, song các trường vẫn duy trì học online mỗi tuần/buổi. Bên cạnh đó, các trường THCS cũng tăng cường ôn thi HS giỏi trực tuyến. Việc kết hợp hay chuyển đổi hình thức dạy học triển khai nhịp nhàng và thuận lợi”.

Theo ông Phạm Tân Phương, qua rà soát, các trường học trên địa bàn đã học tới tuần thứ 13. Nội dung chương trình học kỳ I theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cơ bản hoàn thành. Các phần còn lại không bắt buộc phải dạy học trực tiếp, mà có thể thực hiện qua trực tuyến, giao bài cho học sinh...

Về kế hoạch, giải pháp cụ thể trong thời gian này, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho hay: Huyện vừa có văn bản yêu cầu các trường tạm dừng dạy học để test nhanh Covid-19 cho 100% giáo viên. Dự kiến tuần tới, sau khi có kết quả xét nghiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh, huyện sẽ khoanh vùng hẹp và có phương án cho các trường dạy học trở lại. Cụ thể, các trường học hoặc lớp học liên quan trực tiếp đến F0, F1 sẽ dạy học trực tuyến. Các đơn vị khác khi loại trừ nguy cơ lây nhiễm sẽ dạy học trực tiếp. Phía phụ huynh cũng đồng thuận với chủ trương này của huyện và ngành Giáo dục.

Thực tế, một số địa phương tại Nghệ An đã xuất hiện ổ dịch và lây nhiễm trong học sinh, giáo viên. Hơn 1 tuần qua, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) với khoảng 1.000 học sinh tạm dừng đến trường. Lý do có 9 em là F0 và 25 giáo viên, 80 HS khác liên quan đang cách ly tại nhà hoặc tập trung. Nhà trường cũng trưng dụng nhà đa chức năng để cách ly tập trung cho một số giáo viên.

Thầy Dương Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho hay: Có học sinh F0 là điều không mong muốn, nhất là học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, trước đó các lớp giãn cách, thực hiện “mô hình bong bóng”, nên F0 chủ yếu tập trung ở lớp 12C3. Nhà trường nhanh chóng chuyển sang dạy học trực tuyến. Kể cả học sinh, giáo viên trong khu cách ly đều mang theo laptop, điện thoại, sách vở để duy trì dạy học bình thường. Sau 1 tuần tạm dừng, nhà trường sẽ cân nhắc cho các lớp không có nguy cơ lây nhiễm đi học trở lại. Đồng thời động viên học sinh lớp 12C3 và duy trì việc dạy học, ôn tập trực tuyến cho các em đầy đủ, hiệu quả cao nhất.

Phương án trên cũng đang được nhiều địa phương khác của Nghệ An áp dụng như thị xã Thái Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Tương Dương... khi dịch bệnh xuất hiện trong trường học. Ngoài “khoanh vùng” theo từng trường, việc “khoanh vùng” còn được thực hiện theo lớp. Qua đó, bảo đảm an toàn với dịch bệnh và thực hiện kế hoạch dạy học thích ứng.

Thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An từ giữa tháng 10 đến nay, toàn tỉnh có hơn 170 học sinh, giáo viên, nhân viên tại các nhà trường thuộc diện F0. Cùng với đó, có khoảng 3.000 giáo viên và học sinh thuộc diện F1 đang phải cách ly tập trung. Trước đó, Nghệ An xây dựng 4 phương án dạy học theo 4 cấp độ dịch khác nhau. Chủ trương “dịch ở đâu khoanh vùng tại đó” để không ảnh hưởng đến việc học của học sinh và hạn chế lây chéo dịch bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1321 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2323 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2196 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập416
  • Hôm nay59,246
  • Tháng hiện tại926,593
  • Tổng lượt truy cập49,252,276
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944