Gợi ý chính sách tự chủ tài chính ĐH

Thứ ba - 18/12/2018 07:16 460 0
GD&TĐ - Tự chủ ĐH là vấn đề được các nhà làm chính sách, hệ thống GD ĐH ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm; vì chỉ thông qua cơ chế tự chủ thực chất thì mới thúc đẩy hệ thống GD ĐH phát triển năng động phù hợp với quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay.
Gợi ý chính sách tự chủ tài chính ĐH

Bức tranh toàn cảnh tự chủ ĐH

Tự chủ ĐH được hiểu là việc trường ĐH có được một mức độ độc lập so với các bên quản lý Nhà nước liên quan về quản trị cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn lực tài chính và tạo ra nguồn thu, tuyển dụng nhân sự, trang bị điều kiện học tập và triển khai hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Cụ thể, tự chủ ĐH tập trung vào bốn khía cạnh chính gồm: Học thuật, nhân sự, tài chính và quản trị tổ chức. Trong đó, tự chủ tài chính là khía cạnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hay hạn chế quá trình phát triển hệ thống GD ĐH.

Hiện nay, xét theo mối quan hệ giữa Nhà nước và trường ĐH thì trên thế giới có hai mô hình gồm: Mô hình Nhà nước giám sát, điển hình là các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Úc; mô hình Nhà nước điều hành, điển hình là các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia, Campuchia và Việt Nam. Sự đối lập giữa hai mô hình trên được thể hiện qua sự phân chia hay tập trung quyền lực của Nhà nước đối với trường ĐH.

Cụ thể, trong mô hình Nhà nước giám sát, quyền tự chủ hệ thống ĐH sẽ mang tính thực chất và quyền quyết định trong các khía cạnh của GD ĐH được giao về trường ĐH, Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát hoặc quyết định ở một vài vấn đề của hệ thống ĐH gắn với chiến lược chung của quốc gia. Trong khi đó, với mô hình Nhà nước điều hành, hệ thống ĐH phải tuân thủ các quy định điều chỉnh chi tiết hầu hết các hoạt động và các lĩnh vực của ĐH, và từ đó hệ thống ĐH vận hành khá cứng và tính linh hoạt cũng như sự nỗ lực tự thân về mọi khía cạnh sẽ có phần hạn chế. Vì vậy, có thể nhận định rằng, tự chủ ĐH sẽ thoáng hơn và mạnh mẽ hơn ở mô hình nhà nước giám sát.

Dựa trên những lợi ích của tự chủ tài chính ĐH, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà làm chính sách và hệ thống ĐH của Việt Nam nắm bắt được xu thế tất yếu của thế giới, từ đó ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và triển khai cơ chế tự chủ tài chính một cách hiệu quả. 

Tiến trình tự chủ tài chính nói riêng và tự chủ ĐH nói chung là con đường để các quốc gia chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống GD ĐH từ mô hình Nhà nước điều hành thành mô hình Nhà nước giám sát. Tiến trình này chủ yếu diễn ra ở các quốc gia châu Á có hệ thống GD ĐH vận hành theo mô hình Nhà nước điều hành với những bước đi mạnh mẽ hay những bước đi thận trọng tùy theo bối cảnh từng quốc gia cụ thể. Những quốc gia và vùng lãnh thổ có chuyển đổi tự chủ mạnh từ hơn hai thập niên ở châu Á bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Malaysia. Việt Nam và các quốc gia còn lại ở châu Á đang có nhiều nỗ lực chuyển đổi nâng cao tính tự chủ hệ thống ĐH trong thời gian gần đây, đã và đang tiến hành những bước đi thận trọng mang tính thí điểm. Điều này có thể cho thấy rằng, quá trình thiết lập quyền tự chủ ĐH ở Việt Nam đã đi sau các quốc gia khác hơn hai thập niên và hiện nay định hình tự chủ thực chất vẫn còn nhiều tranh luận.

Tự chủ tài chính ĐH đề cập đến khả năng tự quyết định về các vấn đề tài chính nội bộ của một trường ĐH, khả năng quản lý quỹ một cách độc lập cho phép trường ĐH thiết lập và thực hiện các mục tiêu chiến lược. Tự chủ tài chính có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trường ĐH.

Thứ nhất, tự chủ tài chính cho phép trường ĐH có thẩm quyền và chủ động hơn trong việc huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển ngắn và dài hạn; đồng thời tối ưu hóa được hoạt động quản lý tài chính. Thứ hai, tự chủ tài chính tạo điều kiện thuận lợi để trường ĐH sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đa dạng hóa nguồn thu, tăng khả năng tích lũy vốn và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Thứ ba, tự chủ về tài chính có khả năng tạo ra cơ chế khuyến khích kinh tế mạnh mẽ đội ngũ học thuật và bộ máy hỗ trợ và mở rộng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút giảng viên có trình độ cao, từ đó nâng cao chất lượng GD và nghiên cứu khoa học. Có thể kết luận mạnh mẽ rằng nếu hệ thống ĐH được tự chủ đúng nghĩa, trong đó có tự chủ về tài chính thì đó là tiếp cận quản trị tài chính tiên tiến, phù hợp với bối cảnh của hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Gợi ý chính sách tự chủ tài chính ĐH - Ảnh minh hoạ 2
Tự chủ tài chính là bước chuyển quan trọng để hệ thống GDĐH bứt phá 

Bối cảnh tự chủ tài chính ĐH ở Việt Nam

Nghị định 10 của Chính phủ về tự chủ tài chính khuyến khích cơ sở GD công lập tự chủ trong việc quản lý nguồn thu, chi tiêu và nhân sự và tìm kiếm các nguồn thu mới từ năm 2003. Việc gia tăng mức độ tự chủ tài chính của trường ĐH khiến chi phí của GD ĐH tăng lên. Dù vậy, chính phủ vẫn đưa ra mức trần học phí, các quy định miễn giảm học phí cho SV và các trường ĐH phải sử dụng ít nhất 45% nguồn thu từ học phí cho các mục đích phát triển.

Với Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GD ĐH công lập, đến năm 2018 đã có 23 trường ĐH tự chủ. Các trường đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ nhờ việc được tự chủ học phí và tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao. Nghiên cứu của Lê Trung Thành và Đoàn Xuân Hậu (2018) cho thấy, sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu của các trường ĐH công lập trước và sau tự chủ.

Có thể nhận thấy rằng nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho trường ĐH chỉ giảm 1,8%; trong khi đó, các trường ĐH tăng nguồn thu từ học phí và lệ phí (tăng 4,29%) để bù đắp phần thâm hụt trên. Học phí vẫn là nguồn thu quan trọng đối với trường ĐH công lập. Nhóm các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao và đào tạo tiến sĩ có mức tăng học phí tăng gấp đôi, trong khi nguồn thu học phí từ các chương trình đào tạo không chính quy giảm 5%. Việc tăng nguồn thu từ học phí đã tạo áp lực các trường đầu tư nhiều hơn vào trang bị cơ sở vật chất cho giảng dạy và học tập, tài trợ học bổng cho SV, tài trợ, viện trợ, và hoạt động tư vấn và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tự chủ tài chính ĐH tại Việt Nam vẫn gặp phải những hạn chế như sau:

Thứ nhất, Chính phủ chưa có định hướng cụ thể cho việc chuyển tiếp từ giai đoạn thí điểm của Nghị quyết 77 sang giai đoạn chính thức thực hiện. Điều này gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc lập kế hoạch phát triển dài hạn, đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân sự. Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định về tự chủ ĐH thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ để đẩy mạnh hơn nữa việc tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Nghị định mới sẽ quy định cơ chế tự chủ về thực hiện hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của trường ĐH công lập (Lê Huyền, 2018).

Thứ hai, về tự chủ tài chính, Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về quyền tự chủ của trường ĐH trong các mức chi tiêu, chẳng hạn như chi cho nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, chi xây dựng chương trình GD, chi xây dựng giáo trình ĐH và chi công tác phí. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, thu từ học phí và lệ phí vẫn là nguồn thu chính của trường ĐH tự chủ khi chiếm trên 70% tổng thu là rất rủi ro, nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. Đây là rủi ro cao đối với chất lượng đào tạo của trường ĐH do tuyển sinh phụ thuộc vào nhu cầu xã hội và quy định của Nhà nước.

(Nhóm nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam do GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường ĐH Kinh tế TPHCM - làm chủ nhiệm đề tài)

___________________

Bài 4: Chuyển dần quyền điều hành từ Nhà nước sang trường ĐH

Tác giả bài viết: PV (lược thuật)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập452
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm451
  • Hôm nay65,585
  • Tháng hiện tại975,177
  • Tổng lượt truy cập49,300,860
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944