Hình tượng người phụ nữ qua một số tác phẩm văn xuôi

Thứ ba - 28/04/2020 03:04 3.243 0
GD&TĐ - Trong giai đoạn 1945 đến hết thế kỷ XX, hình tượng người phụ nữ đã được thể hiện khá đặc sắc qua nhiều nhân vật.
Hình tượng người phụ nữ qua một số tác phẩm văn xuôi

Nổi trội hơn cả là Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, nhân vật “Vợ nhặt” trong tác phẩm cùng tên của Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Các nhân vật đều mang hoàn cảnh, số phận đáng thương nhưng ở họ vẫn toát lên những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.

Mị: Thức tỉnh

“Vợ chồng A phủ” là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật Mị và A Phủ. Mị là cô gái Hồng Ngài trẻ đẹp, tài hoa, hiếu thảo. Vì cha mẹ trót vay nợ nặng lãi của nhà thống lí Pá Tra mà Mị đã bị bắt theo tục cướp vợ của người Mèo, về làm vợ A Sử, làm dâu thống lí với thân phận gạt nợ và bị thần quyền trói buộc.

Tô Hoài đã thành công trong việc xây dựng con người thức tỉnh qua nhân vật Mị với những lần trỗi dậy sức sống tiềm tàng.

Lần thức tỉnh thứ nhất, Mị đã trốn về nhà gặp cha với hai tròng mắt đỏ hoe và nắm lá ngón. Sống trong ngôi nhà địa ngục của thống lí Pá Tra thì cuộc sống còn tệ hơn cái chết. Nhưng Mị lại nghĩ đến cha, nếu Mị chết thì cha còn khổ gấp trăm lần thế. Mị đành tồn tại trong nhà thống lí với một cái xác không hồn.

Lần thức tỉnh thứ hai, Tô Hoài miêu tả mùa đông với những chiếc váy hoa được đem ra phơi trên những mỏm đá xòe và những trận gió rét dữ dội. Điều đó đã tác động đến Mị, Mị ngước mắt lên, Mị thấy xuân về, tai thì nghe thấy tiếng sáo văng vẳng. Tác giả đã chọn lựa thanh âm đặc trưng vùng cao để đưa Mị đi từ cõi quên về cõi nhớ, từ hiện tại về quá khứ. Bởi tiếng sáo là một phần tâm hồn Mị, tiếng lòng của Mị. Nghĩ về quá khứ và hiện tại, Mị bỗng nhận thức về thời gian và tuổi tác: “Mị còn trẻ, Mị còn trẻ lắm”. Rất thành công và tài năng, Tô Hoài miêu tả chân thực, rõ nét tâm trạng thức tỉnh để dẫn đến hành động nổi loạn của Mị. Trong cơn say, “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng…”. Nhưng lần này cũng thế, Mị bị thế lực tàn bạo vùi dập. Mị nửa tỉnh nửa mơ, tâm trạng vẫn muốn “vùng bước đi” khi cả cơ thể bị trói chặt vào cột nhà.

Lần thức tỉnh thứ ba, Tô Hoài đã để Mị đối diện với tình cảnh của A Phủ. Sự chai sạn và vô cảm đã khiến Mị “thản nhiên” mấy ngày liền. Nhưng “khi nhìn thấy dòng nước mắt A Phủ bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị đồng cảm người cùng cảnh ngộ và hình dung tình cảnh sắp tới của A Phủ. Mị cũng nhận thức sự bất công, tàn độc của giai cấp thống trị. Những suy nghĩ đó đã đưa Mị đi tới một hành động quyết liệt, táo bạo: “Cắt dây trói cho A Phủ”. Và khi A Phủ chạy, Mị đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, giữa sự tự do và nô lệ. Cuối cùng, “Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”.

Để khắc họa nhân vật thức tỉnh, tác giả đã vận dụng thành công nghệ thuật miêu tả tâm lí và hành động, nghệ thuật xây dựng tình tiết truyện hợp lí nhằm khẳng định sự đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của những người bị áp bức và vạch ra con đường để họ tự giải phóng chính mình.

Người vợ nhặt: Khát sống

Nếu như Mị hiện lên dưới cái nhìn của Tô Hoài là một người phụ nữ với số phận đầy bi kịch nhưng từ sâu thẳm tâm hồn là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt thì khi đến với nhân vật người “vợ nhặt” trong tác phẩm của Kim Lân, ta sẽ cảm nhận được cái niềm khao khát được sống của một người phụ nữ không tên.

Cô “vợ nhặt” là một người đàn bà bị cái đói xô đẩy đến tình cảnh éo le và thương tâm, bị dồn nén đến mức đối diện với nguy cơ chết đói nên có lúc bên ngoài thành ra trâng tráo, trơ trẽn. Nhưng đó không phải là bản chất vốn có của chị. Trên đường theo Tràng về nhà, chị không khỏi cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ, (có phần tủi nhục) và lo lắng phấp phổng vì không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Nhà văn dường như đã hiểu thấu đến tận cùng nỗi lòng của chị nên thể hiện một cách thật tinh tế những gì đang xảy ra trong lòng người đàn bà kể từ khi chị đặt bước trên con đường xa lạ về nhà chồng.

Chị rơi vào tình cảnh bất đắc dĩ phải theo không Tràng để tìm một nơi nương tựa qua ngày, hi vọng có thể tránh được cái chết đói. Vì thế, khi tận mắt chứng kiến gia cảnh của Tràng, đó là một cái nhà rúm ró, trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những bụi cỏ dại thì chị không nén nỗi một tiếng thở dài. Nhưng trước sự cảm thông, yêu thương đùm bọc của gia đình Tràng, chị đã cùng với mẹ chồng xăm xắn quét dọn, thu vén lại nhà cửa, vườn tược như một cô con dâu thực sự vào sáng hôm sau. Hình ảnh cờ đỏ bay phấp phới trong câu chuyện của chị gợi ra trong bữa ăn sáng cũng là một dụng ý nghệ thuật, nhằm khẳng định khát vọng và sức sống mạnh mẽ của những con người như chị.

Nhà văn Kim Lân đã đặt tấm lòng nhân đạo vào cái nhìn đầy cảm thông, yêu thương của bà cụ Tứ dành cho cô vợ nhặt. Đó cũng là lời khẳng định đối với những số phận đáng thương nhưng có một tâm hồn đáng quý: “Dù kề bên cái chết, họ vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở hiện tại, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.

Hình tượng người phụ nữ qua một số tác phẩm văn xuôi - Ảnh minh hoạ 2
“Vợ chồng A Phủ”, “Vợ nhặt” và “Chiếc thuyền ngoài xa” được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 12. Ảnh minh họa

Người đàn bà hàng chài: Đầy ám ảnh

Bước vào thế giới nhân vật của Nguyễn Minh Châu, không hiểu sao, đôi mắt và trái tim ta như bị hút theo người đàn bà hàng chài không tên, không nhan sắc. Nói chính xác hơn, những trận đòn và cuộc sống lao động khắc nghiệt đã bẻ gãy những nét duyên của một người phụ nữ. Chị trạc ngoài bốn mươi, khuôn mặt thô kệch, mặt rỗ. Lúc nào cũng xuất hiện với gương mặt mệt mỏi, người đàn bà ấy đã trải qua một cuộc đời nhọc nhằn lam lũ. Số phận lận đận của chị dường như đã được báo hiệu ngay ở cái tuổi thanh xuân: “Từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa…”. Những dòng tâm tư được nói ra với giọng điệu bằng bằng như một tiếng thở dài, kìm nén bao cảm xúc. Người đàn bà ấy chầm chậm kể ra bất hạnh của đời mình. Giá như có nhan sắc, số phận đã không đưa đẩy chị đến với người chồng miền biển này; giá như không quá khổ cực trong cuộc sống, ghe thuyền chật hẹp vất vả, chồng chị đã không đến nỗi dữ dằn, hung tợn…

Cuộc đời quá cơ cực của chị luôn phải đối mặt với hai cơn bão táp: Bão táp từ biển khơi lạnh lùng và bão táp từ người chồng vũ phu, thô bạo. Người đàn bà ấy khốn khổ và chật vật để lo từng bữa cơm, manh áo cho gia đình. Đói khổ đã trở thành nỗi ám ảnh luôn thường trực trong cuộc sống của chị. Chị đã phải oằn mình chịu đựng những bi kịch, chịu đựng những trận đòn roi chỉ để mong có được niềm hạnh phúc thật bình dị, thật nhỏ nhoi: “Vui nhất là lúc nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Phải chăng, đó chính là cái thứ ánh sáng lấp lánh của hạt ngọc tình mẫu tử, tấm lòng bao dung vị tha và đức hi sinh của những người phụ nữ lao động với nhiều cơ cực tối tăm. Tuy nhiên, những hạt ngọc đó còn quá lấm láp và nhiều tì vết bởi nó còn lẩn trong bùn đất, trong cát bụi của sự nghèo đói, lạc hậu…

Hình ảnh người đàn bà hàng chài đã để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc. Đó là những ám ảnh về nhân quyền, về những cuộc chiến còn ngấm ngầm diễn ra, về cái đẹp bị che khuất sau những lo toan nhọc nhằn đời thường, về cách nhìn cuộc đời và về mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật chân chính.

*   *  *

Như vậy, Tô Hoài với “Vợ chồng A Phủ”, Kim Lân với “Vợ nhặt” và Nguyễn Minh Châu với “Chiếc thuyền ngoài xa” đã góp thêm một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm khao khát sống, một niềm tin yêu và đức hi sinh cao cả đến mức ám ảnh. Ba tác giả không những thể hiện sự quan tâm, đồng cảm với những số phận bất hạnh mà họ còn trân trọng, ngợi ca những phẩm chất cao quý của người phụ nữ.

Hình tượng người phụ nữ trong giai đoạn 1945 đến hết thế kỷ XX đã trở thành tượng đài văn học bất tử, trường tồn trong tâm thức người đọc. Bởi họ là những con người đáng thương nhưng đáng trọng, không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn đi tìm, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống; như nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Hình tượng người phụ nữ trong giai đoạn 1945 đến hết thế kỷ XX đã trở thành tượng đài văn học trường tồn trong tâm thức người đọc. Bởi họ là những con người đáng thương nhưng đáng trọng, không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn đi tìm, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống; như nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.”


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập517
  • Hôm nay71,339
  • Tháng hiện tại980,931
  • Tổng lượt truy cập49,306,614
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944