Khi cây trái mùa đã cho quả ngọt...

Chủ nhật - 06/05/2018 19:13 492 0
GD&TĐ - Từ mốc son 30/4/1975, khát vọng cháy bỏng về một đất nước hòa bình, thống nhất của người dân Việt Nam trở thành hiện thực. Lịch sử sang trang và “cuộc chiến” chống đói nghèo, lạc hậu bắt đầu. 43 năm – thời gian đủ để làm dịu đi những vết thương chia cắt, trong dấu tích bom đạn, cây cỏ đã lên xanh, niềm vui của thống nhất, hòa bình và tái thiết cũng đã làm dịu ngọt lại những buồn đau.
Khi cây trái mùa đã cho quả ngọt...

“Lấp hố bom, xây cuộc sống mới”, suốt dọc dài một dải Nam Trung Bộ, trong những chất chồng khó khăn, sự nghiệp giáo dục vẫn luôn được ưu tiên đúng với chủ trương “vì lợi ích trăm năm trồng người”. 

1.Trong ký ức của nhà giáo Phạm Úc – nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) vẫn còn vẹn nguyên kỷ niệm về không khí của những ngày những ngày cuối tháng 4/1975, khi nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Quế Sơn (Quảng Nam ngày nay): “Nhận công việc, tôi và anh Phan Thanh Dũng – phó ban trường Quế Sơn vừa lo ổn định chỗ ở cho giáo viên vừa đi về các địa phương huy động HS ra lớp, đồng thời chạy mượn chỗ dạy, bàn ghế, bảng kỷ…

Cả hai chúng tôi đề ra kế hoạch là phấn đấu sao cho hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 5, cùng lắm là qua tháng 6 thì kết thúc, để các em HS không phải bỏ học mất một năm. Không riêng gì chúng tôi mà các đồng nghiệp khác ở nhiều nơi cũng đều nỗ lực như vậy. Có thể nói sự cố gắng của ngành giáo dục vào thời điểm ấy là đáng ghi nhận”.

Theo như thầy Phạm Úc thì việc sắp xếp cho các em học sinh vào lớp, là làm theo đăng ký của các em, khai lớp nào là ghi tên vào lớp ấy, không cần kiểm tra xác minh hay thủ tục gì khác. Nơi nào có học sinh là mở phân hiệu, nhà trường phải cử giáo viên về giảng dạy, có phân hiệu chỉ có hai giáo viên phải dạy ba, bốn lớp; ngày chủ nhật lại lội bộ về trường chính để họp.

“Tuy chiến tranh đã đi qua, nhưng ngày nào cũng có người chết vì bom mìn. Cái thứ sản phẩm chiến tranh này có mặt khắp mọi nơi, rất khó nhận biết nên thật không dễ đề phòng. Anh em giáo viên thường nói, không làm thì không có trường cho con em học, là rơi vào tình thế “co thủ” nhưng mà làm thì dễ bị “lãnh đủ” – thầy Úc nhớ lại.

Trong những ngày mới giải phóng, Quế Sơn là một trong số ít địa phương có phong trào giáo dục khá mạnh. Lý do là trước đó, với chủ trương giải phóng đến đâu thì hình thành ngay bộ máy của chính quyền cách mạng để làm việc, cho nên ở trong vùng giải phóng đã có trường lớp, giáo viên. Còn ở những vùng mới giải phóng thì cũng lo được cho HS đến trường học không bị chậm trễ.

“Thời điểm ấy, Quế Sơn có đội ngũ với 160 giáo viên đang dạy ở vùng giải phóng về, cộng thêm số giáo viên được tuyển mới và tuyển lại – gọi là giáo viên “lưu dung”. Cái từ “lưu dung” này mà dùng trong ngành văn hóa, giáo dục thì chẳng hay ho gì nhưng không biết gọi cách nào khác nên riết rồi thành quen” – thầy Úc cho biết.

Với những nỗ lực chung sức xây dựng cuộc sống mới, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trường học được khẩn trương sửa sang, học sinh đã cắp sách đến trường trở lại - một tín hiệu xác tín cho những ngày hòa bình, tái thiết và dựng xây đất nước.

2. Thầy Nguyễn Văn Bảy – Trưởng phòng GD&ĐT Đức Phổ (Quảng Ngãi) nói vui về hiện tượng rất nhiều học sinh Đức Phổ chọn theo ngành Y - Dược: Ngoài phải học giỏi thật sự ở phổ thông mới có thể đủ điểm để đỗ vào các trường đào tạo y khoa thì có thể các em đã được thấm nhuần tình yêu nghề, lý tưởng nghề nghiệp từ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội đã ngã xuống trên quê hương Đức Phổ của các em.

Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT Đức Phổ vẫn duy trì cho HS đọc và tìm hiểu về quyển sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm như là một cách để các em thêm yêu và tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương mình. Và cũng từ đây, nhiều học sinh đã nuôi dưỡng ước mơ theo học ngành y, trở thành bác sĩ nội trú và được nhiều bệnh viện lớn nhận vào công tác.

Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai, thế nên, đảng bộ và chính quyền Đức Phổ chọn giáo dục là khâu đột phá để phát triển bền vững. “Nhiều năm nay, mức đầu tư cho giáo dục của địa phương luôn đảm bảo 20% như quy định, thậm chí vượt hơn 20% nếu tính các công trình từ một số chương trình khác của địa phương như nông thôn mới.

Đến nay, chúng tôi có 44 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, 14/14 trường THCS đều đạt chuẩn mức độ 1, bậc tiểu học có 20/21 trường đạt chuẩn và mầm non có 10/15 trường. Phòng GD&ĐT đang rà soát lại phòng học bộ môn của các trường để xây dựng đề án đầu tư cải tạo, xây dựng phòng bộ môn đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu những trường nào không đáp ứng theo chuẩn mới thì sẽ đầu tư cải tạo hoặc xây mới”.

Việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học được thực hiện một cách nghiêm túc. “Đức Phổ là địa phương đầu tiên triển khai hoạt động trải nghiệm – sáng tạo ở bậc tiểu học để Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức dự giờ điểm nhằm nhân rộng trong toàn tỉnh.

Hoạt động Ngày hội sáng tạo được tất cả các trường ở các bậc học tổ chức, tạo điều kiện cho HS có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống. Hội thi Khoa học kỹ thuật cũng thu hút nhiều HS tham gia với các sản phẩm đạt giải ở cấp tỉnh, cấp Bộ” – thầy Bảy cho biết. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của ngành GD-ĐT Đức Phổ duy trì, giữ vững qua từng năm học, xứng đáng với mảnh đất có truyền thống hiếu học, cần cù. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Đức Phổ luôn có số điểm đầu vào THPT cao nhất trong toàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống đó, trường THPT số 1 Đức Phổ luôn được xướng tên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, thi tuyển vào đại học, thi THPT quốc gia… khi có nhiều HS đạt thành tích xuất sắc, là thủ khoa của các kỳ thi.

Tính từ năm học 2011 – 2012 đến năm học 2015 – 2016, nhà trường đã có 249 lượt HS đạt giải cấp tỉnh, hàng trăm huy chương và các giải khác ở các hội thi như thi tiếng Anh qua mạng, giải toán qua internet, thi thể dục thể thao… Tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT của trường luôn nằm trong top đầu cả tỉnh, tỉ lệ HS đỗ ĐH – CĐ từ 45% trở lên, có năm lên đến 67% - chỉ tính nguyện vọng 1; nhiều HS đỗ ĐH với số điểm khá cao, từ 27 điểm trở lên.

Tiền thân của trường THPT số 1 Đức Phổ là trường THPT Bán công Lê Văn Duyệt, được thành lập tháng 7/1957. Tuy là trường do chính quyền Sài Gòn thành lập và quản lý nhưng trường nằm trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên nhiều thế hệ học sinh của trường đã tham gia phong trào cách mạng, hàng trăm học sinh đã thoát ly tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều người đã trưởng thành từ chiến tranh và trở thành cán bộ lãnh đạo của huyện, tỉnh.

Mùa xuân năm 1975, cùng với quân và dân tỉnh Quảng Ngãi, quân và dân Đức Phổ đã liên tục tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn huyện Đức Phổ vào ngày 23/3/1975. Sau một tuần lễ ổn định tình hình, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, chính quyền cách mạng đã khẩn trương tổ chức cho các trường trong huyện tiếp tục việc dạy và học để hoàn thành chương trình năm học 1974 – 1975.

Trường trung học bán công Lê Văn Duyệt được đổi tên thành trường cấp II Lê Văn Cao – tên của anh hùng liệt sĩ, người con của quê hương Đức Phổ. Đến năm học 1975 – 1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trường cấp II Lê Văn Cao được chọn làm cơ sở để thành lập trường cấp III Đức Phổ.

3. Vài ba năm trở lại đây, Quảng Nam được xem là địa phương có nhiều đổi mới trong chính sách tuyển dụng, bố trí giáo viên. Song song với đó, địa phương này cũng đã cơ chế đãi ngộ với nhiều ưu đãi để thu hút học sinh giỏi của các trường THPT “đầu quân” vào ngành sư phạm và cũng đã có nhiều HS đỗ vào một số ngành hot của các trường khác, đã xin được học bổng toàn phần để du học nhưng vẫn quyết định theo học sư phạm.

“Trong tay tôi đã có 12 hồ sơ của những em như vậy, chỉ cần các em học thật giỏi, tốt nghiệp ĐH sư phạm thì ngành GD-ĐT Quảng Nam sẽ nhận” – ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết. Những “hạt giống” này, được gieo cho những mùa sau, bởi như ông Quốc chia sẻ là để xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề để thay thế những giáo viên giỏi đã bắt đầu có tuổi và sắp nghỉ hưu, mà nhiều HS giỏi ở các trường phổ thông không mặn mà với ngành sư phạm.

Kỳ thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam năm 2017, ngoài các yêu cầu chung là phải có bằng cấp phù hợp với vị trí tuyển dụng thì người ngoại tỉnh cũng được phép đăng ký dự thi và thí sinh đậu điểm cao được tự chọn trường mình muốn dạy học, dựa trên danh sách các trường THPT có nhu cầu tuyển dụng mà Sở GD&ĐT cung cấp. Người có điểm số cao nhất sẽ trúng tuyển vào vị trí giảng dạy số 1, cứ lần lượt như vậy cho đến vị trí số 2 và những vị trí sau. Sở cũng bố trí một màn hình để các ứng viên có thể theo dõi, đối chiếu danh sách các trường có nhu cầu tuyển dụng giáo viên và danh sách đăng ký lựa chọn nơi công tác của các ứng viên.

“Với cách làm này, tất cả đều công khai và đều căn cứ trên kết quả thi tuyển của thí sinh. Thí sinh nào có điểm cao hơn tại kỳ thi xét tuyển viên chức thì được chọn vị trí công tác trước, không có chỗ cho sự thân quen tác động hay con cháu của bất kỳ ai” – ông Quốc cho biết. Các thầy cô giáo đều nhận được quyết định phân công công tác do chính Giám đốc Sở GD&ĐT ký ngay tại chỗ.

Chính cách đổi mới trong bố trí công tác cho giáo viên mới trúng tuyển của Sở GD&ĐT Quảng Nam đã giúp ngành GD-ĐT thu hút được người có trình độ cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy. Như trường hợp của thầy giáo Đỗ Hoàng Cường, vừa nhận quyết định bố trí công tác tại trường THPT Phan Châu Trinh (H. Tiên Phước) là một ví dụ. Thầy Đỗ Hoàng Cường nguyên là giảng viên tiếng Anh của trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc ngành phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại trường ĐH Victoria (Úc).

Các giáo viên mới sẽ có 12 tháng tập sự chứ “không như trước đây, khi cầm quyết định trên tay là nghiễm nhiên trở thành giáo viên cho đến khi nghỉ hưu. Sau 12 tháng tập sự, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét năng lực của từng người, nếu ai không đáp ứng thì buộc phải rời bục giảng” – ông Quốc khẳng định. Những giáo viên mới tuyển dụng cũng được Giám đốc Sở chia sẻ nhiệm vụ của nhà giáo với lời gửi gắm rằng “cần phải nỗ lực nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức nhà giáo, để mỗi khi “bỏ viên phấn xuống thì bản thân cảm thấy hài lòng”.

Tác giả bài viết: Hà Ánh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1320 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2322 | lượt tải:365

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2196 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập385
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm382
  • Hôm nay49,715
  • Tháng hiện tại900,061
  • Tổng lượt truy cập49,225,744
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944