Khi giáo viên “lên sóng”

Thứ ba - 30/11/2021 18:47 351 0
GD&TĐ - Dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải tổ chức dạy học trên truyền hình. Không ít thầy cô lần đầu tiên đứng trước ống kính máy quay để dạy học và trở thành “MC” bất đắc dĩ.
Khi giáo viên “lên sóng”

Đi vào bữa ăn, giấc ngủ

Kết thúc 2 tháng dạy trên truyền hình, thầy Trần Công Văn – Giáo viên Trường THCS Hàm Nghi (TP Huế) vẫn không thể quên những ngày tháng đáng nhớ trong nghề dạy học của mình. Thầy Văn đã có 6 buổi ghi hình môn Ngữ văn lớp 6. Lần đầu tiên được “lên sóng” truyền hình, thầy không khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp, thậm chí bị “ngợp” bởi ánh đèn của trường quay. Sự khác biệt lớn nhất khi dạy học online là không có sự tương tác với học sinh. Chính vì vậy, phong cách, tác phong dạy học của mình cũng có những thay đổi để phù hợp.

“Một bài giảng như vậy, có khi phải chuẩn bị cả tuần, từ soạn giáo án cho đến tập luyện rồi dạy thử trước khi lên hình. Thế nhưng, được lãnh đạo Sở GD&ĐT, đồng nghiệp động viên, khích lệ nên mọi khó khăn rồi cũng qua. Đặc biệt, chính học sinh là nguồn động lực để chúng tôi quyết tâm vượt khó, thực hiện thành công những bài giảng trên truyền hình”, thầy Văn bộc bạch.

Để có buổi ghi hình thành công, thầy Văn phải tập đi tập lại bài giảng, rảnh lúc nào là nhẩm lại, thậm chí đi tắm cũng phải mường tượng đến bài giảng mà mình sẽ dạy trên truyền hình. “Sở dĩ phải làm như vậy, vì mỗi một tiết dạy trên truyền hình dài 30 phút, nếu chênh một chút thời gian cũng khiến cả ê-kíp phải vất vả” – thầy Văn phân trần, đồng thời dí dỏm chia sẻ: Khi lên hình, nhìn cứ “tưởng ngon ăn”, nhưng có biết đâu với giáo viên ăn, ngủ đều nghĩ đến dạy học trên truyền hình. Phải nói là “mất ăn, mất ngủ” để lên sóng.

Từng trở thành “MC bất đắc dĩ”, cô Lê Thị Huyền – Giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cũng có buổi ghi hình để giảng dạy môn Lịch sử (năm 2020). Dạy học trên truyền hình, cô Huyền nhận thấy có nhiều trở ngại hơn so với dạy ở lớp học truyền thống. Cụ thể, nếu dạy học trực tiếp, cô – trò có thể tương tác với nhau trong quá trình dạy – học. Nhưng dạy trên truyền hình, giáo viên phải chủ động thực hiện từ đầu đến cuối. Vì thế, khi soạn giáo án, giáo viên cũng phải cẩn thận và chỉn chu hơn.

“Nếu so với dạy học trực tiếp thì dạy học trên truyền hình vất vả hơn nhiều, khó nhất là thiết kế giáo án. Theo đó, giáo án phải ngắn gọn, súc tích, vừa đủ kiến thức trong một bài học nhưng cũng phải phù hợp với học sinh ở các vùng miền. Quan trọng nhất là không được “cháy” giáo án hoặc “vượt khung” và học sinh cảm thấy dễ hiểu, dễ làm”, cô Huyền chia sẻ.

Khi giáo viên “lên sóng” - Ảnh minh hoạ 2
Thầy Trần Công Văn trong một buổi ghi hình tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên - Huế. Ảnh: NVCC

Tập đi, tập lại

Là một trong những giáo viên được giao dạy môn Tiếng Việt lớp 4, cô Nguyễn Lệ Thi – Giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Không có tương tác với học trò nên việc dạy học trên truyền hình sẽ là truyền thụ kiến thức một chiều. Vì thế, giáo viên không thể bê nguyên giáo án của lớp học truyền thống để dạy trên truyền hình. Việc thiết kế giáo án phải vừa sinh động, rõ ràng, phù hợp và lôi cuốn học sinh. Chẳng hạn, có thể tìm thêm những đoạn video có trong thực tế để thu hút học sinh, hạn chế giáo viên “độc thoại” một mình từ đầu đến cuối buổi ghi hình.

Cô Thi kể, trước buổi ghi hình đầu tiên, cô thức đến 2 giờ sáng để đọc kỹ lại sách giáo khoa, giáo án và tập nói biểu cảm trước gương. Trước đó, cô phải nhờ chồng quay đi, quay lại toàn bộ bài giảng để bấm thời gian và rút kinh nghiệm trong cách truyền đạt từ ngôn ngữ, ánh mắt cho đến cử chỉ… “Vậy mà, đến ngày ghi hình, tôi vẫn hồi hộp và có chút áp lực. Vì lần đầu tiên dạy học trước ống kính máy quay, không có học sinh để tương tác nên có những khoảnh khắc, tôi không được tự nhiên lắm”, cô Thi bộc bạch.

Từ thực tế, cô Thi đã rút ra một số kinh nghiệm khi dạy học trực tuyến. Việc đầu tiên là soạn giáo án theo hướng tinh giản, sinh động. Quan trọng nhất là cách thể hiện khi giảng bài trước ống kính. Không nên “thao thao bất tuyệt” mà cần có những ánh mắt, cử chỉ, hoặc ngôn ngữ hình thể với những biểu cảm thân thiện như thể đang trực tiếp tương tác với học trò.

Ngoài ra, giáo viên có thể tự xây dựng các tình huống trong giờ học để tương tác với học sinh như: Tự đặt câu hỏi rồi trả lời. Đặc biệt là cần rèn luyện kỹ năng đứng trước máy quay. “Khi dạy trên truyền hình, tôi phải tưởng tượng ống kính máy là học sinh để có những giao tiếp hoặc tương tác về cử chỉ; từ đó tiết học trở nên sinh động hơn” - cô Thi chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Khi giáo viên “lên sóng”, đồng nghĩa với việc như một MC hoặc biên tập viên truyền hình, nên cần chuẩn từ nội dung cho đến hình thức, tránh không xảy ra những tình huống “khó đỡ” ngoài giáo án.

“Việc chuẩn bị cho một tiết dạy trên truyền hình tốn công sức gấp 5 - 6 lần so với soạn giảng ở lớp học truyền thống. Tuy nhiên, đó cũng là trải nghiệm mới và thú vị trong nghề, giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình dạy học” – thầy Trần Công Văn kể.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1321 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2323 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2196 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập365
  • Hôm nay59,246
  • Tháng hiện tại928,323
  • Tổng lượt truy cập49,254,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944