Nền tảng pháp lý trong tự chủ đại học

Chủ nhật - 21/10/2018 22:51 465 0
GD&TĐ - Theo nhận xét của các chuyên gia, một trong các chính sách lớn của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đó là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nền tảng pháp lý trong tự chủ đại học

* Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhận xét: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã đề cập khá sâu, toàn diện về tự chủ đại học. Nhiều người kỳ vọng nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua sẽ khơi thông “điểm nghẽn” về tự chủ đại học. Vậy quan điểm của PGS về vấn đề này?

- Một trong các chính sách lớn của dự thảo là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, bất cập của quá trình thí điểm tự chủ đại học công lập theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Về cơ bản, những quy định mới trong dự thảo đã đề cập khá sâu và toàn diện về tự chủ đại học.

Cụ thể: Dự thảo Luật đã giải thích rõ khái niệm quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH ở Điều 4; chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH theo hướng quy định rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình. Đây sẽ là nền tảng để Chính phủ ban hành quy định chi tiết về vấn đề này.

Nền tảng pháp lý trong tự chủ đại học - Ảnh minh hoạ 2

“Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học; Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật”.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh

* Vậy theo PGS, các quyền tự chủ của các trường nên được hiểu theo các phương diện nào?

- Các quyền tự chủ bao gồm: Quyền tự chủ về chuyên môn như: Ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật.

Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự bao gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động; danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; quyết định nhân sự quản trị quản lý trong nhà trường phù hợp với quy định của pháp luật. Dự thảo Luật quy định hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các chức danh quản lý trong trường. Hiệu trưởng trường đại học công lập do hội đồng trường quyết định và cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng trường quyết định.

Quyền tự chủ tài chính, tài sản bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ của trường.

Dự thảo Luật quy định cơ sở GDĐH có quyền tự xác định mức thu học phí, phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác trên nguyên tắc tính đủ chi phí dịch vụ theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo sự công khai, minh bạch, sự giám sát từ xã hội và để người học có thông tin để thực hiện quyền quyết định lựa chọn cơ sở GDĐH, cơ sở GDĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo; mức thu học phí, mức thu phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Dự thảo Luật đã quy định rõ về điều kiện thực hiện quyền tự chủ. Theo đó, điều kiện thực hiện quyền tự chủ bao gồm: Đã thành lập hội đồng trường; Đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở GDĐH; Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, chính sách đảm bảo chất lượng với các tiêu chuẩn chất lượng không thấp hơn các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, các quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác; Đã quy định rõ cá nhân, tập thể lãnh đạo ra quyết định phải chịu trách nhiệm về nội dung quyết định trước pháp luật, trước nhà trường và xã hội...

Nền tảng pháp lý trong tự chủ đại học - Ảnh minh hoạ 3
 Ảnh minh hoạ/ Internet

 * Như vậy có thể hiểu, dự thảo Luật lần này đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết về phát triển GDĐH và tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho việc thực hiện tự chủ đại học?

- Đúng vậy! Nếu dự thảo Luật được thông qua sẽ tạo một cú huých lớn cho các cơ sở GDĐH, thúc đẩy các cơ sở GDĐH phấn đấu để đạt điều kiện được tự chủ. Khi các trường được tự chủ toàn diện về hoạt động chuyên môn, về bộ máy tổ chức, nhân sự, về quản trị đại học, về quản lý đào tạo, về tài chính, tài sản, khi đó trường mới được chủ động trong đầu tư và sử dụng mọi nguồn lực có thể để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, đẩy mạnh dịch vụ, tăng nguồn thu hợp pháp để nâng cao đời sống đội ngũ giáo chức.

Mặc dù dự thảo lần này đã giải quyết được khá tốt, khá nhiều vấn đề đang gây ra những điểm nghẽn về tự chủ đại học. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nói rằng, sẽ rất khó để giải quyết triệt để, toàn diện mọi vướng mắc, bất cập trong tự chủ đại học. Bởi lẽ, chỉ giải quyết những bất cập xuất phát từ quy định của Luật GDĐH là chưa đủ, vì có những bất cập phát sinh từ quy định của các luật có liên quan và đặc biệt là cơ chế thi hành pháp luật.

Vì thế, tôi cho rằng giải quyết đồng bộ từ hệ thống quy định pháp luật tới cơ chế thi hành pháp luật mới giải quyết được triệt để những hạn chế, vướng mắc trong tự chủ đại học. Có như vậy, chúng ta hy vọng GDĐH có cơ hội phát triển tiệm cận với thông lệ quốc tế, vươn lên trong hội nhập khu vực và quốc tế.

Xin cảm ơn PGS!

Tác giả bài viết: Sỹ Điền (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập611
  • Hôm nay106,884
  • Tháng hiện tại1,016,476
  • Tổng lượt truy cập49,342,159
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944