Những thay đổi tích cực trong công tác coi thi THPT quốc gia 2019

Thứ sáu - 28/06/2019 22:18 287 0

Những thay đổi tích cực trong công tác coi thi THPT quốc gia 2019

Gần 880.000 thí sinh trên cả nước vừa hoàn thành kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019. Trong những ngày qua, ngành giáo dục và cả xã hội đã cùng chung tay dồn sức để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh làm bài thi.

Cả xã hội cùng vào cuộc

Chú thích ảnh

Đoàn công tác đến kiểm tra tại các điểm thi THPT Nguyễn Đổng Chi (huyện Lộc Hà). Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN.

Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, với đầy đủ các thành phần tham gia như: Công an, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Điện lực... Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (có một số địa phương Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban). Nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện là cánh tay nối dài, giúp cho công việc chỉ đạo được kịp thời, đặc biệt là ở miền núi, hải đảo. Một số địa phương đã ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để quán triệt tổ chức nghiêm túc kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm và nghiệp vụ công tác thi, tuyển sinh cho tất cả các trường đại học, cao đẳng, các Sở Giáo dục và Đào tạo. Hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh năm 2019 đã được hoàn thiện, nghiệm thu và tập huấn cho các đơn vị. Phần mềm được cải tiến để tăng cường tính bảo mật, đảm bảo chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người dùng.

Bộ Công an cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc tham gia phối hợp chặt chẽ, triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, nhất là trong khâu ra đề thi, vận chuyển đề thi, in sao, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Bên cạnh đó, các đơn vị đã kịp thời phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến gian lận trong kỳ thi; đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và hỗ trợ thí sinh trong các tình huống gặp sự cố.

Chú thích ảnh

Các thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại Hội đồng thi trường THPT Mỹ Hào (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Các trường đại học, cao đẳng đã cử đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cán bộ về các địa phương cùng phối hợp tham gia công tác tổ chức thi Trung học phổ thông Quốc gia theo quyết định điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đánh giá sơ bộ về các công tác thi đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019, cho biết: Công tác đề thi, in sao đề và coi thi đã diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng kế hoạch.

Về công tác in sao đề, Bộ đã thành lập các đoàn đưa đề thi đến các hội đồng thi. Địa điểm in, sao đề đã được các hội đồng chuẩn bị đảm bảo cách ly ba vòng độc lập có an ninh, bảo vệ đúng quy chế. Công tác in sao đề thi được đánh giá đảm bảo an toàn, không có sơ suất, không bị lộ, lọt đề.

Công tác coi thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương nên diễn ra thành công, không có sự cố đáng tiếc xảy ra.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng chia sẻ: Kỳ thi năm nay có 72 thí sinh vi phạm quy chế thi, giảm so với năm ngoái. Hiện tượng thí sinh mang điện thoại di động, thiết bị công nghệ cao vào phòng thi để thực hiện hành vi gian lận được các giám thị phát hiện, kịp thời ngăn chặn. Riêng trường hợp sự cố ở Phú Thọ, nhờ sự vào cuộc của lực lượng an ninh nên đã phát hiện, xử lý ngăn chặn kịp thời, không ảnh hưởng đến kỳ thi.

Công tác bảo quản đề thi, bài thi được đảm bảo nghiêm cẩn theo quy chế. Tại mỗi điểm thi, nơi bảo quản đề thi, bài thi có công an, phó trưởng điểm thi bảo vệ. Các hội đồng thi đã có đoàn kiểm tra công tác này về đêm nên có thể nói rằng, đề thi, bài thi được bảo mật tuyệt đối tại các điểm thi trước khi bàn giao bài thi về hội đồng thi sau buổi thi cuối cùng để tiến hành các công việc tiếp theo của kỳ thi.

Cần sự “đều tay” của lực lượng làm thi

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, tồn tại của kỳ thi năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề này.

Về đề thi, nội dung được quy định nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12; đồng thời, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp từ 50% lên 70% (30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh) để đảm bảo mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi.

Việc điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Chú thích ảnh

Đoàn công tác đến kiểm tra tại các điểm thi THPT Nguyễn Đổng Chi (huyện Lộc Hà) và điểm thi THPT Can Lộc (huyện Can Lộc). Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 trung học phổ thông, trong đó, học viên giáo dục thường xuyên chiếm không quá 40% trong tổng số thí sinh của điểm thi. Bộ cũng thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu trữ, bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi và hội đồng thi.

Đối với việc chấm thi, Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đồng thời, sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng và có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ quy định chặt chẽ hơn khâu chấm hai vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó, các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: Đánh giá bước đầu đến thời điểm này là kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế, nhẹ nhàng, không căng thẳng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Qua kiểm tra trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các hội đồng thi vừa qua có thể thấy, tất cả những chỉ đạo của Bộ đã được các địa phương nghiêm túc triển khai. Việc phối hợp giữa các địa phương và các trường Đại học cũng rất suôn sẻ, trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Bằng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh sự vào cuộc rất nghiêm túc, quyết liệt, trách nhiệm cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và bộ, ngành liên quan, vẫn còn đâu đó một số hiện tượng sơ suất. Ví dụ như trong việc phát đề, thiếu đề, giám thị ký nhầm ô, xử lý các tình huống trong coi thi chưa linh hoạt… Đây là những sai sót nhỏ nhưng phần nào thể hiện sự chưa “đều tay”, chưa “tròn vai, thuộc bài” của lực lượng làm công tác tổ chức cho kỳ thi. Đó là bài học cần rút kinh nghiệm. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất chú trọng tập huấn. Qua kiểm tra tại các điểm thi cũng cho thấy, các trưởng điểm thi đều nắm chắc Quy chế và nhiêm vụ, phân công trách nhiệm tới từng cá nhân tham gia công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, để mọi việc nhuần nhuyễn, bản thân mỗi cán bộ cần ý thức rõ về vai trò, nhiệm vụ của mình, tập trung cao độ với công việc được giao.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng nhấn mạnh: Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng các quy chế, quy định, áp dụng chặt chẽ khâu kỹ thuật nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất của kỳ thi. Do đó, việc lựa chọn cán bộ phải là những người có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, nắm rõ chuyên môn, quy định, được tập huấn kỹ càng. Vai trò chỉ đạo, tổ chức thanh kiểm tra phải được làm thường xuyên, nghiêm túc.

Hiện tại các hội đồng thi trên cả nước bắt đầu bước vào khâu chấm thi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tất cả các địa phương phải thực hiện đúng quy chế, chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra gian lận, làm sai lệch kết quả thi. Bộ cũng yêu cầu rà soát kỹ nhân sự tham gia khâu chấm thi, đảm bảo khách quan, công bằng.

Kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019 sẽ được công bố vào ngày 14/7.

Tác giả bài viết: Theo TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm422
  • Hôm nay90,171
  • Tháng hiện tại999,763
  • Tổng lượt truy cập49,325,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944