Thầy giáo hơn 20 năm “gieo mầm xanh” trên đỉnh núi đá Hà Giang

Thứ ba - 09/11/2021 19:54 271 0
GD&TĐ - Thương những đứa trẻ vùng cao khát chữ, hơn 20 năm qua, thầy giáo Bùi Hồng Định đã miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” với mong muốn về sự đổi thay ở vùng đất đá Yên Minh, Hà Giang.
Thầy giáo hơn 20 năm “gieo mầm xanh” trên đỉnh núi đá Hà Giang

Tận tâm gieo chữ

Xã Ngam La, huyện Yên Minh (Hà Giang) địa hình cách trở, dân cư sinh sống thưa thớt trong những ngôi nhà thấp lè tè, nằm cheo leo trên đỉnh núi. Đến Ngam La chúng tôi đã chứng kiến tận mắt sự khó nhọc, vất vả của đội ngũ các thầy, cô giáo “cắm bản” dạy chữ. Nơi đây, sự có mặt của các thầy, cô giáo được ví như là những người “ươm mầm xanh” cho tương lai.

Thầy giáo Bùi Hồng Định, sinh năm 1980 tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, 41 tuổi đời thì đã có hơn 20 năm tuổi nghề. Cũng là từng đó thời gian thầy tham gia dạy học ở các địa bàn khó khăn nhất của huyện vùng cao Yên Minh.

Thầy Định kể, trở thành thầy giáo có lẽ là do cái duyên đã định trước. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Yên Minh và được phân công giảng dạy tại xã biên giới Phú Lũng, cách trung tâm huyện khoảng 40km. Lúc đó, đường vào xã lởm chởm đất đá nên khi nào muốn ra thị trấn chỉ có cách đi bộ luồn rừng, thời gian cho một lượt đi hoặc về cũng khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Thầy giáo hơn 20 năm “gieo mầm xanh” trên đỉnh núi đá Hà Giang - Ảnh minh hoạ 2

Thầy giáo Bùi Hồng Định trong buổi vận động phụ huynh đưa con về học tại trường chính

“Lúc mình vào công tác tại Phú Lũng, cả trường mới có 11 giáo viên, thậm chí còn chưa có hiệu trưởng. Lớp học lúc đó thì tạm bợ và chưa có điện. Mỗi lớp khoảng 20 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc Mông. Trên điểm trường thì 2 thầy giáo phụ trách 3 lớp học, tự phân công nhau. Một người dạy 2 lớp phổ thông, người còn lại dạy 1 lớp phổ thông thì tối dạy thêm 1 lớp xóa mù chữ nữa. Công tác thiếu thốn, vất vả nhưng cũng có niềm vui riêng”, thầy Định nhớ lại.

Những ngày đầu nhận công tác, cảm nhận đầu tiên của thầy Định là các trường ở vùng cao vô cùng khó khăn, đặc biệt là các điểm trường còn khó khăn hơn gấp bội. Các học sinh ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp giữa thầy và trò cũng gặp khó, phải dùng cử chỉ, động tác mô phỏng. Mặc dù đôi lúc cũng nản lòng, nhưng tiếp xúc với các em lâu ngày, thầy Định lại cảm thấy có một tình cảm rất đặc biệt.

“Dạy học tại lớp xóa mù chữ buổi tối, lớp học rất đông, chủ yếu là người trung và cao tuổi, chưa nói được tiếng phổ thông. Ngược lại, mình cũng chưa thạo tiếng của đồng bào. Do vậy, lúc đó mình vừa dạy chữ cho bà con cũng là tự học tiếng nói địa phương cho bản thân. Đến khi kết thúc lớp học, đồng bảo biết đọc, viết còn mình có thể tự giao tiếp cơ bản với bà con. Sau vài lớp thì mình nói tiếng Mông giỏi không khác gì tiếng phổ thông cả. Có lúc tâm sự vui với đồng bào, khi nào lên lớp nói chuyện với thầy giáo thì nói tiếng phổ thông, thầy đến nhà học sinh thì chúng ta nói tiếng địa phương”, thầy Định cười nói.

Nhờ gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đồng bào nên khả năng nói tiếng dân tộc của thầy Định cũng khá tốt, tất cả những trường hợp bỏ học, ngay khi có ý định đều được anh tới tận nhà động viên kịp thời.

Mong một sự đổi thay

Năm 2001, thầy Định được phân công về công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La. Điểm trường chính chủ yếu là nhà cấp 4, các điểm trường thì đều là nhà tranh, vách đất do đồng bào tự nguyện chung tay góp công sức xây dựng lên, người tấm ván, người bó gianh để làm nơi cho thầy và trò sinh hoạt học tập.

Lúc mới về, thầy Lợi xung phong đi các điểm trường khó khăn nhất, đặc biệt là có nhiều năm gắn bó với điểm trường Pờ Chừ Lủng, nơi cách điểm trường chính 2 giờ đi bộ xuyên rừng. Đến năm học 2010-2011, sau 10 năm giảng dạy, thầy Định được phân công nhiệm vụ làm Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La.

Thầy giáo hơn 20 năm “gieo mầm xanh” trên đỉnh núi đá Hà Giang - Ảnh minh hoạ 3

Vợ chồng thầy giáo Bùi Hồng Định đang công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La

Thầy Định tâm sự, ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên tiểu học phải có là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… Bởi lẽ, học sinh ở lứa tuổi tiểu học các con còn nhỏ, hiếu động, tinh nghịch và chưa tập trung được lâu. Đối với học sinh vùng núi lại càng khó khăn bởi sự tiếp cận bài chậm hơn so với học sinh dưới xuôi rất nhiều.

Với nhiệt huyết, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trong quá trình công tác, thầy Định luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công. Thầy được đồng nghiệp đánh giá là một trong những cán bộ đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp giáo dục, quản lý mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường.

Thầy Định chia sẻ: Tình cảm thân thiết của người dân và các thế hệ học sinh giúp tôi có thêm động lực vượt qua những khó khăn. Đặc biệt, vùng đất Ngam La cũng là nơi tô thắm hạnh phúc của cá nhân tôi. Tôi tự nhận thấy mình may mắn hơn một số đồng nghiệp bởi có vợ công tác cùng trường, có thể hỗ trợ tôi nhiều trong công tác chuyên môn và cuộc sống.

Năm 2011, Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La được đầu tư xây dựng nhà bán trú, tạo điều kiện cho học sinh ở các bản vùng sâu, vùng xa ở lại học tập. Đây vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là khó khăn. Thuận lợi là các em được sống, học tập tại trường, khó khăn cho các thầy cô là phải lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Do vậy, thầy Định cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn xác định mình vừa là thầy, cô giáo dạy văn hóa, đồng thời còn là người cha, người mẹ dạy bảo và uốn nắn để hình thành nhân cách sống cho các em, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ.

Thầy giáo hơn 20 năm “gieo mầm xanh” trên đỉnh núi đá Hà Giang - Ảnh minh hoạ 4
Lớp học của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La

Với sự cố gắng và sự nhiệt huyết với nghề của cán bộ giáo viên nhà trường, hằng năm, số học sinh đi học chuyên cần ở trường và các điểm trường của Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La đều tăng.

Thương mến đồng bào vùng cao, hiểu được sự vất vả, thiệt thòi của trẻ em nơi đây với các địa phương khác, thầy Định luôn trăn trở: “Mình vất vả quen rồi, chỉ tội cho học sinh phải học tập trong điều kiện thiếu thốn. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của mình là Nhà nước tiếp tục có thêm chính sách phát triển kinh tế vùng núi còn khó khăn cho bà con, đặc biệt là phủ sóng điện thoại đến các điểm trường để thầy cô và học sinh có điều kiện tốt hơn trong học tập, nhất là phải dạy – học trực tuyến”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1320 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2321 | lượt tải:364

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2195 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập387
  • Hôm nay31,273
  • Tháng hiện tại881,619
  • Tổng lượt truy cập49,207,302
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944