Trường đại học tự chủ cần gì ở cơ chế?

Thứ bảy - 22/05/2021 20:30 439 0
GD&TĐ - Hoạt động theo mô hình tự chủ, các trường ĐH không nhận ngân sách chi thường xuyên. Để bảo đảm nguồn tài chính trong vận hành bộ máy, các trường buộc phải tăng học phí và mở rộng nguồn thu theo luật định.
Trường đại học tự chủ cần gì ở cơ chế?

Vậy, các trường tự chủ cần gì ở cơ chế để cạnh tranh và phát triển?

Tăng học phí để bù hụt ngân sách

Từ khi hoạt động theo mô hình tự chủ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) có một số thành công nhất định. Tuy nhiên, để lèo lái một ngôi trường từ hưởng ngân sách chi thường xuyên sang tự chủ hoàn toàn về tài chính là một quá trình nỗ lực cùng nhiều băn khoăn, trăn trở của người thuyền trưởng.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tự chủ đã phần nào “cởi trói”, mở rộng con đường phát triển cho các trường đại học. Tuy nhiên, bước vào cơ chế tự chủ, các trường cũng đối mặt với nhiều áp lực. Không còn nguồn chi thường xuyên, nếu chất lượng đào tạo kém, không tuyển sinh được sẽ ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của toàn trường.

“Khi không dựa vào ngân sách Nhà nước, nếu đổ dồn mọi gánh nặng vào học phí của người học liệu có hợp lý không? Nhưng nếu không tăng học phí, không có nguồn thu thì làm sao để các trường đầu tư, phát triển?. Do đó, cần mở rộng cơ chế cho các trường đại học tự chủ hợp tác phát triển, tạo nguồn thu, giảm áp lực học phí cho người học” -  PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Từ kinh nghiệm trường ĐH sớm hoạt động theo mô hình tự chủ, TS Hồ Nhựt Quang - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM cho rằng: Tự chủ sẽ giúp các trường chủ động hơn trong mọi vấn đề và tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động. Như vậy, các trường sẽ năng động hơn trong việc tạo ra sự cạnh tranh tích cực để tăng chất lượng. Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy ở các trường tự chủ là vấn đề học phí sẽ bị tăng cao để cân đối thu chi.

“Khi các trường tự chủ, vấn đề học phí sẽ bị tăng theo để cân đối thu chi, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, người học sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn. Giáo dục đại học cũng là dịch vụ, khi dịch vụ cải tiến, người mua dịch vụ sẽ được lợi…” - đại diện IU cho biết.

Tương tự, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng: Áp lực lớn nhất với trường tự chủ là phải bảo đảm nguồn thu bền vững để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển.

“Khi không có nguồn kinh phí từ ngân sách, cơ sở đào tạo tự chủ phải bù đắp nguồn thu thông qua việc tăng học phí, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chuyển giao, tìm kiếm nguồn vốn từ doanh nghiệp tài trợ... Trong đó nguồn bù đắp chính ở các cơ sở đại học tự chủ vẫn đến từ nguồn học phí” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Ở khía cánh khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng: Hiện mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam rất chênh lệch. Nhiều người ở thành phố có mức sống tốt và có đủ khả năng chi trả cho con em mình học đại học. Tuy nhiên, với đại đa số bộ phận người dân nông thôn, một sinh viên theo học ở trường tự chủ là điều không dễ dàng. Có những gia đình cả nhà đi làm không đủ nuôi một người con học đại học. Tăng học phí quá cao vô tình cản trở con đường học tập, “chặn” cơ hội thay đổi đổi cuộc đời của nhiều em.

“Với đa số các trường đại học tự chủ, gần như toàn bộ ngân sách phụ thuộc vào học phí, điều này làm tăng thêm gánh nặng với phụ huynh, sinh viên. Nếu chúng ta đi sâu tìm hiểu, thời gian qua, có những gia đình kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh khiến sinh viên phải bỏ học. Thậm chí nhiều em đi làm thêm ngày đêm, ảnh hưởng lớn đến việc học. Đó là con dao hai lưỡi, tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng kéo theo những hệ lụy khác. Nhiều sinh viên vì lo trang trải cuộc sống để tồn tại trước khi lo đến việc học, để rồi kết quả học tập kém, bị buộc thôi học…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng bày tỏ.

Trường đại học tự chủ cần gì ở cơ chế? - Ảnh minh hoạ 2
Một buổi học thực hành của SV IU.

Tháo gỡ từ luật?

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ cần nhất là cơ chế tự quyết và tự chịu trách nhiệm.

“Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật 34) và Nghị định 99 của Chính phủ đã có hiệu lực, theo đó cởi trói nhiều cho các cơ sở giáo dục tự chủ. Tuy nhiên, một cơ sở giáo dục công lập tự chủ còn phải chịu trách tác động của nhiều luật, nghị định, quy định của nhiều bộ ngành khác (chưa được cập nhật đồng bộ) nên dẫn đến việc thực hiện  tự chủ gặp nhiều khó khăn.

Mặc khác, tuy là tự chủ nhưng chúng tôi rất mong Nhà nước vẫn hỗ trợ cho phát triển giáo dục đại học thông qua các chương trình trọng điểm, dự án đặt hàng, hỗ trợ quỹ đất các cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Để giảm áp lực tăng học phí đối với SV, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay, một số giải pháp được HCMUTE đưa ra là hỗ trợ từ các nguồn vay ngân hàng. Thế nhưng, nguồn vay này cũng nhỏ giọt, đôi khi không đáp ứng đủ chi phí học tập cho SV. Kế đến là những suất học bổng lớn cho sinh viên nghèo học giỏi nhưng học bổng chỉ dành cho một bộ phận nhỏ trong khi số lượng sinh viên khó khăn rất nhiều.

“Trong những năm trên cương vị quản lý, tôi luôn trăn trở về câu chuyện này. HCMUTE là một trong 23 trường tự chủ có mức học phí thấp nhất. Để giữ được mức học phí như vậy, nhà trường vừa phải tiết kiệm, vừa tranh thủ đi vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, để họ hỗ trợ trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, giúp giảm bớt áp lực lên học phí cho sinh viên” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Trên thực tế, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, việc tăng học phí ở các trường đại học cũng đang chịu ràng buộc từ Nghị định của Chính phủ. Do đó, cần tìm giải pháp để các trường đại học tự chủ có nguồn thu, đầu tư phát triển chất lượng đào tạo mà không chỉ dựa vào học phí.

Các trường ĐH tự chủ cần được trao nhiều quyền hơn, cơ chế thoáng hơn để tăng cường hợp tác, phát triển và từ đó tăng nguồn thu. Điều quan trọng là cần hành lang pháp lý đủ rộng để trường ĐH tự kinh doanh, phát triển, trường cần có quyền sử dụng tài sản công trong việc hợp tác với các đơn vị, tập đoàn, công ty bên ngoài. Đa phần các vấn đề nghiên cứu ở trường đại học không thể thương mại hóa được ngay, nếu được trao quyền, có cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại. Nhà trường, học viên đều được hưởng lợi. - PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập433
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm430
  • Hôm nay59,899
  • Tháng hiện tại969,491
  • Tổng lượt truy cập49,295,174
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944