Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề

Chủ nhật - 26/12/2021 19:01 262 0
GD&TĐ - Gần 3 năm liên tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, học sinh lớp 12 năm nay càng cần hơn bao giờ hết sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô, nhà trường trước ngưỡng cửa cuộc đời, để chọn được đúng ngành nghề....
Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề

Tư vấn viên “không khoảng cách”

Là học sinh lớp 12, thời gian học chủ yếu là online khiến Nguyễn Thuý Quỳnh (Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên) cảm thấy có chút hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, điều đó cũng không tác động quá nhiều đến ngành và trường Quỳnh đã chọn ban đầu.

Dự kiến em sẽ chọn học ngành Luật kinh tế, nguyện vọng một của em là Trường ĐH Luật Hà Nội”. Chia sẻ điều này, Quỳnh cũng cho biết em còn khá mơ hồ với ngành sẽ chọn, dù đã tìm hiểu thông tin trên mạng; từ đó mong được tư vấn để giải tỏa được các vấn đề còn băn khoăn về ngành Luật kinh tế, đặc biệt là thông tin tuyển sinh đại học.

Cùng lớp với Quỳnh, Đoàn Thị Ngọc cũng chọn Trường ĐH Luật Hà Nội, ngoài ra còn có Học viện Ngân hàng. Trong điều kiện dịch bệnh, tạm dừng đến trường, Ngọc được thầy cô, nhà trường định hướng về lựa chọn ngành nghề, nhưng chưa sâu sắc.

“Em mong muốn nhà trường trong thời gian sớm nhất sẽ dành riêng những buổi tư vấn mọi thắc mắc, củng cố tinh thần cho học sinh. Đồng thời, các cơ quan quản lý, trường đại học, cao đẳng thấu hiểu những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, có những thông tin, phương pháp tuyển sinh phù hợp. Hy vọng phương án tuyển sinh của các trường “dễ thở” hơn”, Đoàn Thị Ngọc bày tỏ nguyện vọng.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, M.N lớp 12, Trường THPT Trần Phú, Hà Nội, chia sẻ vẫn cảm thấy may mắn khi có được sự giúp đỡ, đồng hành từ bố mẹ, thầy cô, nhà trường và các anh chị đi trước để sớm định hình được ngành nghề. Thích lan tỏa những điều tốt đẹp và yêu thích sự sáng tạo, M.N dự kiến ngành Quản trị marketing là lĩnh vực phù hợp với bản thân trong tương lai.

Trải qua thời gian dài không được đến trường và ít nhiều mất đi cơ hội được giao lưu, trải nghiệm, M.N cho rằng, việc tăng cường bộ phận tư vấn và hỗ trợ của từng trường đại học là vô cùng cần thiết. Cụ thể, các tư vấn viên được giao phụ trách hỗ trợ cụ thể một/hoặc một nhóm học sinh, để có thể thoải mái trao đổi, giải đáp các thắc mắc của chúng em mà không bị khoảng cách.

Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề - Ảnh minh hoạ 2
Hoạt động hướng nghiệp tại Trường ĐH Greenwich Cần Thơ.

Rất cần thông tin nhu cầu nhân lực

Một phụ huynh có con học tại Trường THPT Trần Phú, Hà Nội trăn trở khi năm cuối cấp học sinh phải học online; việc ôn luyện tăng cường tổ hợp thi đại học gặp nhiều khó khăn, dù các giáo viên cũng cố gắng hết sức xây dựng giáo án bài giảng phù hợp với hoàn cảnh, với nền tảng công nghệ… Tư vấn hướng nghiệp đối với học sinh lớp 12 năm nay cũng thiệt thòi, bởi có khả năng nhà trường không thể tổ chức các ngày hội hướng nghiệp với quy mô như mọi năm bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà trường và thầy cô luôn luôn trách nhiệm, dành nhiều thời gian tư vấn cho học sinh.

“Con tôi có mong muốn chọn ngành Marketing - Truyền thông nên về cơ bản tôi vẫn hướng con cố gắng tập trung nhất có thể để giành được 1 tấm vé vào các trường tốt, như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng... Tôi mong rằng, sau khi các trường đại học đưa ra đề án tuyển sinh thì cần một đội ngũ trả lời nhanh chóng, kịp thời để giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh, có nhiều số hotline hơn nữa.

Tôi cũng mong các con khóa sau sẽ được hướng nghiệp sớm hơn; các trường đại học, cao đẳng tăng cường đưa cách thức tuyển sinh đến trường phổ thông để học sinh nắm được thông tin; các nhà quản lý thông tin về nhu cầu nhân lực để các em có định hướng đúng đắn trong lựa chọn nghề”, phụ huynh này chia sẻ.

Chị Hồng Thị Nguyệt, phụ huynh có con học tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ, cũng thừa nhận, việc chủ yếu học online trong 2 năm qua đã tác động khá lớn về mặt tâm lý tới học sinh. May là dù tạm dừng đến trường, học sinh vẫn được thầy cô, nhà trường định hướng về lựa chọn ngành nghề, tuyển sinh. Qua các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên lồng ghép thông tin hướng nghiệp, cung cấp những thông tin cơ bản về các ngành nghề tuyển sinh của trường đại học. Từ đó, giúp trẻ có nhận thức nhất định về việc lựa chọn ngành nghề trong tương lại.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa còn phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp trực tuyến cho học sinh 12. Dự kiến, ngày 26/12/2021, trường phối hợp với Trường Đại học FPT tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh với chủ đề “Khi tôi 18”, góp phần giúp các em định hướng tốt nhất trong lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường còn đẩy mạnh việc cung cấp thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng cho học sinh qua kênh thông tin điện tử, fanpage của trường.

“Dự kiến, con tôi sẽ chọn học ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Cần Thơ. Tôi nghĩ rằng, việc được cung cấp thông tin về tuyển sinh (từ cơ quan quản lý, các trường đại học, cao đẳng) về nhu cầu nhân lực… trước mùa tuyển sinh năm học 2022 - 2023 là vô cùng quan trọng với học sinh khối 12. Các trường đại học, cao đẳng không chỉ tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, mà cần mở rộng hơn để cha mẹ học sinh có thể cùng đồng hành hướng nghiệp cùng con.

Thực tế không phải cha mẹ nào cũng có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm chọn trường, chọn nghề cho con cái nhưng lại là người định hướng chọn ngành cho con; vì thế việc cha mẹ hiểu đúng, hiểu rõ về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội trong tình hình hiện nay sẽ góp phần rất lớn định hướng cho con em mình lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của các em...” - chị Hồng Thị Nguyệt mong mỏi.

Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề - Ảnh minh hoạ 3
Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) phối hợp với Trường ĐH Nam Cần Thơ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh nhà trường.

Học sinh đã có những lựa chọn mới

Từ thực tế nhà trường, cô Vũ thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên, cho biết: Cách đây 2 năm trước khi có dịch bệnh, khoảng 10% học sinh ở các lớp đại trà sau khi tốt nghiệp THPT sẽ lựa chọn con đường du học, xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ở châu Âu,… Nhưng giờ đây, việc lựa chọn đi nước ngoài gần như rất ít. Các em đã có lựa chọn mới, như chọn trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề vì phù hợp với trình độ cũng như nhu cầu việc làm trong tỉnh Hưng Yên.

Với học sinh lớp chọn, các em vẫn lựa chọn thi vào những trường tốp đầu thuộc khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, điện tử, cơ khí, như Trường ĐH Y, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện An ninh,…

Để chọn được ngành học thật sự phù hợp, các em trước hết phải có đam mê. Chia sẻ điều này, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Vũ Thị Anh cho biết luôn động viên học sinh học tập trong bối cảnh phải học trực tuyến suốt thời gian dài. Trong đó, tư vấn, định hướng học sinh chọn ngành, trường trong các buổi sinh hoạt cuối tuần; khảo sát qua Google Form để biết được nhu cầu, tâm tư và nguyện vọng của các em; chia sẻ với phụ huynh trong buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm...

“Những năm gần đây, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 ở Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, định hướng nghề nghiệp, nhà trường còn phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức tư vấn cho học sinh. Qua những buổi tư vấn đó, các em hiểu và định hướng được nhu cầu học tập của mình sau khi tốt nghiệp THPT.

Để tạo thuận lợi cho học sinh, mong Bộ GD&ĐT sớm đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH để học sinh chuẩn bị tinh thần. Việc ra đề minh họa cho các môn thi là cần thiết. Về phía trường đại học, cao đẳng, nên đưa sớm phương án tuyển sinh và thông báo rộng rãi. Tôi cũng cho rằng, để thu hút được HS học nghề thì việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu ngành nghề và việc làm sau khi tốt nghiệp rất cần thiết. Hoạt động này 2 - 3 năm gần đây được cải thiện nhưng hiệu quả không cao vì công tác tư vấn các trường nghề chưa thực sự thu hút được học sinh”, cô Vũ thị Anh đề nghị.

Chia sẻ của cô Bạch Thị Nhi, Trường THPT Trần Văn Hân (Mỹ Quý, Đồng Tháp), do ảnh hưởng quá lớn của dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn về kinh tế, nên một bộ phận học sinh có dự tính học hết lớp 12 sẽ đi vào các công ty làm việc. Các em cần những ngành học có thời gian đào tạo ngắn, thực hành trải nghiệm nhiều hơn lý thuyết. “Học sinh luôn quan tâm học ngành gì dễ xin được việc làm sau khi ra trường”, cô Bạch Thị Nhi cho hay.

Trong điều kiện dịch bệnh, tạm dừng đến trường, cô Nhi vẫn thực hiện tư vấn online, gửi tài liệu, các bài báo phân tích về tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh để phụ huynh, học sinh tham khảo; kết nối nhóm Zalo với các anh chị khóa trước để có những chia sẻ thực tế.

Tuy nhiên, cô Nhi cũng cho rằng: Cần mở rộng tư vấn định hướng sớm ở lớp 10, 11 để học sinh có sự phấn đấu, định hướng bản thân phát triển tốt hơn cho năm lớp 12. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay chỉ có thể tư vấn online, qua kênh truyền hình… và cần có hình thức khen thưởng động viên để học trò hứng thú theo dõi khi tham gia các buổi tư vấn.

Với khối 12, cần tư vấn sâu hơn về ngành nghề, chú trọng các ngành xã hội còn thiếu nhân lực; đặc biệt cần quan tâm phân tích rõ tỉ lệ tìm được việc làm của từng ngành nghề sau khi tốt nghiệp trung cấp, đại học, cao đẳng. Có thể giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn về kinh tế vừa học vừa làm để các em yên tâm theo đuổi con đường học tập lên cao hơn. Đồng thời, cần cho phụ huynh và học sinh được tiếp cận nhiều với các trường qua hình thức trực tuyển để tạo thêm động lực, giải đáp những thắc mắc nhất là về phương thức tuyển sinh của các trường…

Chị Hồng Thị Nguyệt cho biết thêm, các trường ĐH, CĐ cần tư vấn cụ thể cách chọn ngành nghề, trường phù hợp; phương thức tuyển sinh của các trường, môi trường đào tạo… để học sinh xác định đúng năng lực, sở thích và điều kiện thực tế của bản thân giúp việc chọn trường, ngành học phù hợp nhất. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm cung cấp thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề trong tương lai, những thay đổi về cơ cấu ngành nghề trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1321 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2323 | lượt tải:365

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2196 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập369
  • Hôm nay59,246
  • Tháng hiện tại912,500
  • Tổng lượt truy cập49,238,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944