Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám

Thứ bảy - 16/11/2019 22:38 596 0

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám

GD&TĐ - Sáng nay (17/11), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”.

Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh thành, lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại, cùng 183 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho gần 1,4 triệu nhà giáo từ cấp học mầm non đến đại học trong ngành Giáo dục.

Trong số 183 nhà giáo có 128 giáo viên đến từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; 55 thầy cô đến từ các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.

Đây là những tấm gương tiêu biểu năm 2019 vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các trường cao đẳng, đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh minh hoạ 2
 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”.

Chia sẻ những thành quả giáo dục và đào tạo đạt được trong những năm qua, phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Để có được những kết quả tốt đẹp đó, chúng ta phải nói đến sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT, từ Bộ GD&ĐT, các Sở, các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục; sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đặc biệt là sự đóng góp rất lớn lao của gần 1,4 triệu thầy, cô giáo những người đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự nghiệp trồng người cao quý và trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục. 

 Sự nghiệp giáo dục đòi hỏi mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, dù ở bất kỳ cương vị nào, vẫn luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các thầy cô giáo sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, tâm huyết, sáng tạo phấn đấu để trở thành những nhà giáo tốt, những người anh hùng vô danh, để luôn hoàn thành nhiệm vụ cao quý là đào tạo thế hệ trẻ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. 
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Trong đó, nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng trân trọng ghi nhận, cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng 183 nhà giáo tiêu biểu năm 2018, những thầy cô giáo đã luôn khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo, hết lòng vì học sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; vinh dự được Bộ trưởng tặng Bằng khen hôm nay.

Kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Thứ trưởng đồng thời thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, tới các thế hệ nhà giáo, những người đã, đang và sẽ đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh minh hoạ 3
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu

Tại buổi lễ, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Hằng năm, vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với mục đích biểu dương, tôn vinh và tri ân các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Những cống hiến của các nhà giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, lan tỏa và truyền cảm hứng tới đội ngũ nhà giáo trên cả nước, quyết tâm tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Lễ tôn vinh cũng là dịp để động viên đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tiếp tục rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò, hình ảnh của nhà giáo trong xã hội.

“Những nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh hôm nay là những nhà giáo có nhiều thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua “đổi mới và sáng tạo trong dạy và học”, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh sinh viên; gương mẫu đi đầu trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Họ đã được bình chọn từ 63 tỉnh, thành trong cả nước và các trường cao đẳng, đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT” – ông Vũ Minh Đức cho biết.

Cùng với việc khen thưởng nhà giáo xuất sắc, năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức tôn vinh danh hiệu “Nhà giáo của năm”. Điều đó thể hiện sự trân trọng, tri ân của ngành Giáo dục đối với đội ngũ thầy, cô giáo; đồng thời tin tưởng các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, quyết tâm vượt khó khăn, hết long vì học sinh thân yêu, xứng đáng với danh hiệu “Nhà giáo của năm”.

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh minh hoạ 4
Ông Stewart Utley (ĐH Anh Quốc Việt Nam - BUV) phát biểu

 Phát biểu tại buổi lễ, ông Stewart Utley (ĐH Anh Quốc Việt Nam - BUV) chia sẻ: Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời tại Việt Nam. Nhà giáo Việt Nam không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là tấm gương mẫu mực, dẫn đường chỉ lối cho học trò. Ông Stewart Utley đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển giáo dục và cho rằng hiện nay, quá trình giáo dục dù đã được hỗ trợ đắc lực bởi thiết bị hiện đại, nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo viên - người truyền lửa để thổi bùng lên cho người học những khát vọng cao đẹp, hướng tới tương lai.

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh minh hoạ 5
 Cô Vũ Bích Phương chia sẻ tại buổi lễ

Bày tỏ cảm xúc tự hào, xúc động tại buổi lễ, cô Vũ Bích Phương - giáo viên Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) gửi lời cảm ơn đến Bộ GD&ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã luôn tạo điều kiện cho các giáo viên có điều kiện tốt nhất để trau dồi và phát triển bản thân; gửi lời tri ân đến Ban giám hiệu và Công đoàn nhà trường nơi mình công tác bởi đã môi trường giáo dục trích cực, cởi mở, sự động viên, hỗ trợ kịp thời, thúc đẩy bản thân theo đuổi những ước mơ trong sự nghiệp và đạt được một số thành tích bước đầu.

Trong bối cảnh xã hội đặt ra nhiều kì vọng đối với ngành giáo dục, là một giáo viên trẻ, cô Vũ Bích Phương càng ý thức rõ hơn vai trò tiên phong đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện sứ mệnh cao cả mà nhà nước giao phó: đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, để “non sông Việt Nam được sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều Bác Hồ từng căn dặn.

“Để làm được điều đó, tôi hiểu rằng bản thân người thầy cần không ngừng học hỏi, trau dồi để nâng tầm của bản thân. Chỉ bằng cách mở rộng và tự đổi mới bản thân, kết nối những trang sách với cuộc sống sinh động bên ngoài, chúng ta mới có thể khiến việc học thực sự trở thành niềm vui và ham muốn của học trò. Tôi luôn ghi nhớ cảm giác lần đầu tiên cùng học sinh của mình được vinh danh trong 1 kì thi quốc tế.

Đó không chỉ là niềm hạnh phúc chiến thắng sau bao ngày vất vả miệt mài, mà đó còn là lòng tự tôn dân tộc, là khát vọng vươn tới những chân trời tri thức cao rộng bao la. Lúc đó, tôi đã tự nhủ với lòng mình: Học sinh Việt Nam rất tài giỏi, có rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Nhiệm vụ của người thầy chính là thắp sáng những khát khao chinh phục và dẫn đường cho các em đến với thế giới bao la. Đó cũng chính là những gì 9 năm qua tôi đã làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong sự nghiệp của mình” – cô Vũ Bích Phương chia sẻ.

Vinh danh 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Ảnh minh hoạ 6
PGS.TS Trần Ngọc Hiền chia sẻ tại buổi lễ 

Vinh dự và xúc động là một trong những nhà giáo được vinh danh, PGS.TS Trần Ngọc Hiền - Trưởng Khoa Cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải bộc bạch: Nhà giáo được giao một nhiệm vụ cao cả đó là sự nghiệp trồng người, một nghề được xã hội quan tâm bởi tạo ra nguồn nhân lực tương lai cho xây dựng đất nước. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự kỳ vọng của xã hội đối với nhà giáo càng cao, áp lực đối với nhà giáo càng lớn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra thách thức đối với giáo dục đào tạo nói chung và đối với đào tạo bậc đại học nói riêng. Đối với giáo dục bậc đại học ngày nay, các trường đã cập nhật đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn, chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Điều đó yêu cầu các thầy cô giáo phải luôn cố gắng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; người thầy ngoài giảng dạy cần tích cực, chủ động trong nghiên cứu khoa học, thâm nhập thực tiễn là cách tốt nhất để cập nhật kiến thức, công nghệ để truyền đạt tới sinh viên, xây dựng thế hệ tương lai không những vững về tri thức mà tốt cả về nhân cách, phẩm chất.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn, Sỹ Điền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập516
  • Hôm nay108,522
  • Tháng hiện tại1,018,114
  • Tổng lượt truy cập49,343,797
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944